Hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp

Nếu không có chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, có lẽ 3 mẹ con chị H'Lý (41 tuổi) sẽ khó thoát khỏi cảnh sống luẩn quẩn trong không gian bếp nhỏ, chỉ hơn 10 m2 ở bon U1, xã Cư Jút (tỉnh Lâm Đồng).

Nếu không có chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, có lẽ 3 mẹ con chị H’Lý (41 tuổi) sẽ khó thoát khỏi cảnh sống luẩn quẩn trong không gian bếp nhỏ, chỉ hơn 10 m2 ở bon U1, xã Cư Jút (tỉnh Lâm Đồng).

Căn nhà mà 3 mẹ con chị H’Lý trú ngụ suốt hơn 10 năm qua từng là gian bếp của nhà em gái. Gian bếp chật hẹp mà chị H’Lý xem như là nhà nằm thấp hơn mặt sân rất nhiều, lúc nào cũng bí bách, ẩm thấp.

Cứ đến mùa mưa, nước từ trên sân đổ dồn xuống, gian bếp lại lênh láng nước. Chị H’Lý không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần chị và 2 con đã phải vội vàng đùm túm đồ đạc để sang 'lánh nạn" ở nhà người thân.

Ngôi nhà trong mơ thành hiện thực

“Thấy tôi và các cháu không có nơi nương tựa, em gái tôi xin nhà chồng cho 3 mẹ con tôi ở nhờ tại gian bếp này. Không có giường, 3 mẹ con trải chiếu ngay dưới nền nhà để ngủ”, chị H’Lý chia sẻ.

Nơi ở trước đây của 3 mẹ con chị H'Lý là căn bếp của nhà em gái, nền nhà thấp hơn mặt sân nên mỗi khi trời mưa nước lại tràn vào

Nơi ở trước đây của 3 mẹ con chị H'Lý là căn bếp của nhà em gái, nền nhà thấp hơn mặt sân nên mỗi khi trời mưa nước lại tràn vào

Chị H’Lý và em gái vốn là trẻ mồ côi, được một người cậu nhận nuôi từ nhỏ. Khi cậu lập gia đình, 2 người cháu tiếp tục theo chân đến ở nhờ nhà cậu mợ.

Dẫu đã bước qua tuổi 40, nhưng chị H’Lý và em gái không có tài sản cho riêng mình. Ngay cả khi lập gia đình, do không có tiền sắm lễ vật để “bắt chồng” theo phong tục mẫu hệ của người M’nông, em gái chị H’Lý đành phải về làm dâu ở nhà chồng.

Mỗi lần muốn ra ngoài, mẹ con chị H'Lý phải trèo qua cửa

Mỗi lần muốn ra ngoài, mẹ con chị H'Lý phải trèo qua cửa

Đã nhiều lần hai đứa trẻ mong có một mái nhà riêng

Đã nhiều lần hai đứa trẻ mong có một mái nhà riêng

Về phần mình, vì không nói rành tiếng Kinh, không được học hành nên cuộc sống của chị H’Lý cũng lận đận và cùng cực. Chị H’Lý kể, sau khi sinh con trai Y Côi vào năm 2011 và con gái H’Trúc vào năm 2015, 3 mẹ con được gia đình em gái cưu mang, cho ở nhờ trong căn bếp cũ.

Hàng ngày, chị H'Lý nhận bóc vỏ hạt điều thuê. Số tiền kiếm được chỉ đủ để 3 mẹ con mua đồ ăn, còn gạo thì được hỗ trợ hàng tháng.

Nói đến đây, đôi mắt của người mẹ đơn thân bỗng đỏ hoe. Trong sâu thẳm, chúng tôi cảm nhận được nỗi cùng cực và cả sự bất lực của người phụ nữ này khi không thể lo cho các con một gia đình trọn vẹn và một mái ấm đủ đầy.

“Sống trong căn bếp ẩm thấp, mỗi lần muốn đi ra ngoài, 3 mẹ con phải bắc ghế trèo qua cửa”, chị Lý bùi ngùi nói.

Đã nhiều lần 2 con nói muốn có một mái nhà riêng tươm tất, nhưng đến bữa ăn hằng ngày còn chưa lo nổi, thì dám mơ gì đến một ngôi nhà mới của riêng mình. Thế nên, mơ ước của các con và cũng là niềm mong mỏi, mơ ước của chị về một căn nhà kiên cố bao nhiêu năm qua vẫn còn dang dở.

Chị H'Lý (xã Cư Jút, tỉnh Lâm Đồng)

Ước mơ của chị H’Lý trở thành hiện thực khi được hỗ trợ xây dựng nhà mới

Ước mơ của chị H’Lý trở thành hiện thực khi được hỗ trợ xây dựng nhà mới

Cuối năm 2024, ước mơ của chị H’Lý đã trở thành hiện thực. Không chỉ được hỗ trợ tiền làm nhà mới, chị H’Lý còn được hỗ trợ kinh phí để mua một mảnh đất riêng. Mảnh đất, căn nhà đã lật mở một trang mới trong cuộc đời của gia đình người phụ nữ M’nông này, nơi đó tiếng cười và niềm hạnh phúc sẽ luôn ngập tràn.

Ánh mắt chị H’Lý rạng rỡ hơn khi nhớ lại ngày dọn về nhà mới, trước thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Hai đứa trẻ cứ chạy quanh sân, chạm tay vào từng bức tường như không tin đó là thật. Còn chị cứ đứng lặng trước bậu cửa, nước mắt rơi khi lần đầu tiên có một tài sản lớn đứng tên mình.

“Quá nửa đời người, tôi mới có cho mình một căn nhà. Điều này như một giấc mơ vậy!”, chị H’Lý xúc động chia sẻ.

Căn bếp cũ của mẹ con chị H'Lý trước đây

Căn bếp cũ của mẹ con chị H'Lý trước đây

Gian bếp mới khang trang và sạch sẽ, nơi chị H'Lý cảm thấy ấm áp nhất

Gian bếp mới khang trang và sạch sẽ, nơi chị H'Lý cảm thấy ấm áp nhất

Trong căn nhà cấp 4 khang trang, nơi người phụ nữ này cảm thấy ấm áp nhất chính là căn bếp nhỏ. Nó khác hoàn toàn với căn bếp tạm bợ được dựng lên bằng mấy tấm tôn cũ và tấm bạt đã bạc màu của 3 mẹ con chị trước đó.

“Gần 7 tháng sống trong nhà mới giống như tôi được sống trọn vẹn nửa cuộc đời còn lại. Dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng bây giờ tôi không phải lo về nơi ở của ba mẹ con nữa rồi!”, chị H’Lý cười tươi, nghĩ đến những dự định trong tương lai của mình.

Căn nhà mới của chị H'Lý được xây dựng, bàn giao đầu năm 2025

Căn nhà mới của chị H'Lý được xây dựng, bàn giao đầu năm 2025

Tiếp thêm động lực để yên tâm bám biển

Sáng sớm, bờ biển xã Tiến Thành (tỉnh Lâm Đồng) vẫn vỗ từng nhịp sóng đều đặn. Gió luồn qua từng mái nhà, mang theo hương vị của biển cả bao đời nay đã bao bọc người dân sống dựa vào biển.

Ở góc nhỏ xóm chài khu phố 5, căn nhà mới của gia đình anh Nguyễn Văn Xuân rộn ràng tiếng nói cười. Người thân, hàng xóm mừng vì anh Xuân đã có nhà mới và mừng vì sắp tới, nhiều căn nhà mới tương tự sẽ được hoàn thành.

Anh Nguyễn Văn Xuân được hỗ trợ kinh phí xây dựng một căn nhà mới trong năm 2025

Anh Nguyễn Văn Xuân được hỗ trợ kinh phí xây dựng một căn nhà mới trong năm 2025

54 tuổi, anh Xuân sống trên tàu thuyền lênh đênh biển nhiều hơn ở trên đất liền. Gia cảnh anh thuộc diện hộ nghèo nhiều năm. Ba người con đang tuổi ăn học, một người chị bệnh tật nên mọi gánh nặng đổ dồn lên vai người đàn ông trụ cột.

Mỗi năm, dù cố gắng hết sức, số tiền đi biển chỉ đủ trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Xây nhà mới, thậm chí sửa sang lại mái nhà cũ đang ở, anh Xuân chưa từng dám tính tới.

“Nhà dột tứ phía, gió biển lồng lộng thổi xuyên vách. Có lần bão về, cả nhà chỉ biết co lại một góc mà cầu trời đừng mưa thêm nữa” anh Xuân nhớ lại.

Thế rồi, một điều bất ngờ đã đến khi đang lênh đênh trên biển, anh nhận được tin nhắn từ vợ. “Gia đình mình được Nhà nước chọn hỗ trợ xây nhà mới theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát”, anh Xuân nhớ như in những dòng tin nhắn làm thay đổi cuộc sống gia đình anh.

“Giữa biển lớn, nghe tin ấy mà nước mắt cứ trào ra. Không ngờ giấc mơ bao năm lại có ngày thành sự thật”, người đàn ông vùng biển nghẹn ngào.

Có nhà rồi, gia đình tôi càng có thêm động lực bám biển, lo cho con cái học hành.

Anh Nguyễn Văn Xuân xúc động chia sẻ

Sau gần 3 tháng xây dựng, căn nhà mới rộng 70 m² hoàn thành. Mái nhà lợp tôn, tường xây kiên cố từng viên gạch, từng nhát vữa đều chất chứa trong đó là tình người và hy vọng.

“Gia đình tôi thật lòng biết ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Có nhà rồi, gia đình tôi càng có thêm động lực bám biển, lo cho con cái học hành”, anh Xuân xúc động chia sẻ trong ngày nhận nhà.

An cư để vươn lên thoát nghèo

Không chỉ chị H’Lý, hay anh Xuân mà nhiều gia đình khác cũng đang có trọn niềm vui vì có nhà mới. Những căn nhà kiên cố, vững chãi được xây dựng từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đang góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân trên mảnh đất Lâm Đồng.

Chỉ vài tháng trước, những mái nhà tạm bợ là nỗi lo của bà con xã Lạc Dương (Lâm Đồng) khi mùa mưa bão cận kề. Sau khi được xây dựng kiên cố hóa, những căn nhà mới khang trang đã tạo nên một bức tranh sống động cho vùng đất có đến 80% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho sinh sống.

Chị Lơ Mu K’Den (45 tuổi), là một trong số hộ dân xã Lạc Dương có nhà mới trong năm 2025

Chị Lơ Mu K’Den (45 tuổi), là một trong số hộ dân xã Lạc Dương có nhà mới trong năm 2025

Niềm vui trên nét mặt người phụ nữ K'Ho sau khi có nhà mới

Niềm vui trên nét mặt người phụ nữ K'Ho sau khi có nhà mới

Căn nhà cũ của chị K'Den đã hư hỏng, thậm chí vào mùa mưa nước dột khắp nơi, có khi cả nhà phải thức cả đêm che chắn và hứng nước

Căn nhà cũ của chị K'Den đã hư hỏng, thậm chí vào mùa mưa nước dột khắp nơi, có khi cả nhà phải thức cả đêm che chắn và hứng nước

Chị Lơ Mu K’Den (45 tuổi), là một trong số hộ dân xã Lạc Dương có nhà mới trong năm 2025. Gần nửa năm về sống trong nhà kiên cố, chị K'Den nói rằng, căn nhà đã tiếp thêm động lực để gia đình chị vươn lên thoát nghèo.

Năm 2012, sau khi lập gia đình và ra riêng, chị K’Den được bố mẹ để lại cho căn nhà gỗ. Qua nhiều năm sử dụng, căn nhà đã hư hỏng, thậm chí vào mùa mưa nước dột khắp nơi, có khi cả nhà phải thức cả đêm để hứng nước.

Được nhà nước hỗ trợ hơn 60 triệu đồng xóa nhà tạm, chị K’Den vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà mới. Căn nhà cấp 4, với hai phòng ngủ, một phòng khách là nơi các con chị yên tâm ngồi học, không còn lo mưa gió.

Đưa ánh mắt nhìn về căn nhà cũ giờ chỉ còn vài tấm gỗ thông xộc xệch, chị K'Den nói: Từ ngày về nhà mới, chỗ đó được tận dụng làm nhà bếp và chuồng gà.

Có nhà mới, 2 vợ chồng sẽ chăm chỉ làm vườn cà phê, nuôi thêm gà, trồng rau để bán, phấn đấu thoát nghèo.

Chị Lơ Mu K’Den (xã Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng)

Gia đình chị Kơ Să K’Glế có niềm vui trọn vẹn khi được dọn vào căn nhà mới rộng gần 60 m²

Gia đình chị Kơ Să K’Glế có niềm vui trọn vẹn khi được dọn vào căn nhà mới rộng gần 60 m²

Cách đó không xa, gia đình chị Kơ Să K’Glế (28 tuổi) đang hưởng niềm vui trọn vẹn khi được dọn vào căn nhà mới rộng gần 60 m², hoàn thành hơn hai tháng nay.

“Nhà cũ lợp tôn, gió thổi là rung bần bật. Đêm nghe tiếng gió ào ào, cả nhà ngủ không yên. Bây giờ đêm nào cũng ngủ ngon giấc, chúng tôi không sợ nhà sập nữa”, chị K’Glế kể.

Gia đình chị K’Glế thuộc diện khó khăn nhất vùng. Nguồn thu nhập từ 3 sào cà phê may ra chỉ đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày, không thể tích góp để hiện thực giấc mơ xây nhà mới.

Đầu năm 2025, từ nguồn vốn Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động, gia đình chị K’Glế được hỗ trợ 67,5 triệu đồng.

“Từ ngày có nhà mới, tôi thấy mình có thêm động lực. Hai vợ chồng làm cà phê rồi cố gắng gom góp tiết kiệm dần dần", chị Glế chia sẻ, nụ cười rạng rỡ ánh lên khát vọng đổi đời.

Dù còn nợ, nhưng tôi tin chỉ cần cố gắng, gia đình sẽ thoát nghèo, con cái sẽ có cuộc sống tốt hơn.

Chị Kơ Să K’Glế (xã Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng)

Tỉnh Lâm Đồng đang đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn

Tỉnh Lâm Đồng đang đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn

Nhóm PV
Trình bày: Quốc Phong
26/07/2025 06:30

Bài 2: Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Từ nhiệm vụ chính trị đến phong trào nhân ái

Nhóm PV

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/hien-thuc-hoa-uoc-mo-an-cu-lac-nghiep-383757.html