Huyện Hóc Môn nằm ở cửa ngõ tây bắc của TP.HCM, có diện tích 109,17 km2, dân số năm 2019 là 542.243 người. Trao đổi với Zing, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên nhận định dù là huyện duy nhất đạt 30/30 tiêu chí để hình thành quận, quá trình chuyển mình của huyện Hóc Môn sẽ còn nhiều thách thức. Trong ảnh là khu vực trung tâm của thị trấn Hóc Môn.
Huyện Hóc Môn có hệ thống đường quốc lộ, đường vành đai, tỉnh lộ, hương lộ tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện giao thông thuận lợi giữa huyện với thành phố, tỉnh thành lân cận. Trong ảnh là nút giao An Sương đoạn qua địa phận xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn.
Đây là dự án giao thông huyết mạch của TP.HCM, kết nối trung tâm thành phố với các khu vực cửa ngõ về hướng tây bắc.
Bên cạnh đó, huyện Hóc Môn có 17 km sông Sài Gòn chạy qua. Đây cũng là thế mạnh về giao thông đường thủy của huyện này.
Cuối năm 2020, dự án nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký với tổng mức đầu tư 217 tỷ đồng cũng đã hoàn thành, đây là một trong những tuyến đường huyết mạch của huyện Hóc Môn.
Tuy nhiên, các trục giao thông chính của huyện Hóc Môn gồm Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Quang Trung... đều có điểm chung nhỏ hẹp, chỉ với 2 làn xe, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
"Ở đây kẹt xe dữ lắm. Cứ đều đặn vào mỗi buổi chiều là lực lượng cảnh sát giao thông và thanh niên xung phong thay phiên nhau phân luồng liên tục thì tình trạng ùn ứ mới giảm được một chút", bà Hạnh (59 tuổi) sinh sống trên đường Quang Trung cho biết.
Tương tự, nút giao thông Cầu Lớn nằm trên đường Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng là điểm đen về kẹt xe.
Trong tương lai, đường Nguyễn Văn Bứa kết nối với đường tỉnh 824 dài 22 km được đề xuất mở rộng với số vốn là 4.200 tỷ đồng. Đây là một trong sáu dự án vừa được Sở GTVT TP.HCM đề xuất với tổng vốn hơn 21.000 tỷ đồng kết nối giao thông giữa TP.HCM và tỉnh Long An.
Về thương mại, huyện Hóc Môn có nhiều khu chợ lâu đời với quy mô lớn, trong đó nổi bật nhất là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.
Đây là một trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM, là nơi tập trung các mặt hàng trái cây, rau củ quả, thực phẩm.
Ngôi chợ này có vị trí khá thuận lợi do nằm gần ngã tư An Sương, tạo điều kiện cho việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành lân cận.
Về công nghiệp, địa bàn huyện Hóc Môn hiện nay tập trung khá nhiều khu công nghiệp gồm cụm công nghiệp Nhị Xuân, KCN Bà Điểm, KCN Dương Công Khi... Trong ảnh là cụm công nghiệp Nhị Xuân (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) với quy mô xây dựng 180 ha, tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân nơi đây.
Trong năm 2020, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - dịch vụ tăng trưởng bình quân đạt 19,83%/năm, chiếm tỷ trọng 45,66% trong cơ cấu kinh tế của huyện Hóc Môn.
Dù diện tích đất nông nghiệp của huyện này vẫn còn khá lớn nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp trong năm 2020 của huyện chỉ chiếm tỷ trọng 2,73% trong cơ cấu kinh tế.
Cùng với đó là phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm phèn, bỏ hoang.
Người dân ở xã Tân Hiệp vẫn cố gắng bám trụ bằng nghề trồng lúa và hoa màu dù hiệu quả không cao.
Về y tế, dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn với kinh phí hơn 1.890 tỷ đồng cũng đã được khởi công vào ngày 20/1.
Sau 2 tháng khởi công, công trình cao 12 tầng đang xây dựng phần móng. Bệnh viện mới sẽ có quy mô hạ tầng kỹ thuật đáp ứng 1.000 giường và lưu bệnh 500 giường hiện đại.
Loại hình du lịch sinh thái, hoặc câu cá giải trí vẫn khá phổ biến ở huyện Hóc Môn.
Quỳnh Danh