Hiện trường vụ tai nạn máy bay quân sự thảm khốc ở Philippines
45 người được xác định đã thiệt mạng (có 3 dân thường dưới mặt đất), hơn 50 người khác bị thương, nhiều người còn mất tích, là những hậu quả ghi nhận ban đầu vụ tai nạn máy bay vận tải quân sự C-130 tại Philippines trưa 4/7.
92 người đã có mặt trên chiếc máy bay vận tải quân sự C-130, bao gồm 3 phi công và 5 thành viên phi hành đoàn và 89 quân nhân và nhân viên dân sự di chuyến từ TP Cagayan de Oro đến Sulu, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết.
Theo ông Lorenzana, trong số những người trên máy bay, có 89 quân nhân thuộc lực lượng Đặc nhiệm liên hợp Sulu (JTFS), trong đó nhiều binh sĩ vừa mới trải qua đợt huấn luyện cơ bản; một số còn lại là nhân viên dân sự.
Tính đến 6h ngày 5/7, 29 thi thể đã được tìm thấy. JTFS cho biết, 17 người khác còn mất tích.
Trung tướng Corleto Vinluan Jr., Tư lệnh miền Tây Mindanao, cho biết 43 trong số những người được giải cứu là binh sĩ và 4 người là nhân viên dân sự. Các phi công nằm trong số những người sống sót, nhưng bị trọng thương. Các nhà chức trách phải đợi đống đổ nát đang cháy nguội bớt trước khi tiếp cận.
Những hình ảnh ban đầu được quân đội công bố cho thấy phần đuôi của chiếc máy bay chở hàng còn tương đối nguyên vẹn, nơi in số hiệu 5125 của chiếc máy bay. Các bộ phận khác của chiếc máy bay bị đốt cháy hoặc nằm rải rác trong một vườn dừa.
Các quan chức cho biết máy bay chở quân, trong đó có nhiều binh sĩ mới trải qua khóa huấn luyện cơ bản, từ thành phố Cagayan de Oro, miền nam nước này để triển khai ở Sulu.
“Chúng tôi vẫn hi vọng có thể tìm thấy nhiều người sống sót. Họ phải tham gia cùng chúng tôi trong cuộc chiến chống khủng bố,” chỉ huy quân sự Sulu, Thiếu tướng William Gonzales nói. Các lực lượng chính phủ đã chiến đấu chống lại các tay súng Abu Sayyaf ở tỉnh Sulu chủ yếu là người Hồi giáo, trong nhiều thập kỉ.
"Một số binh sĩ đã được nhìn thấy nhảy ra khỏi máy bay trước khi nó chạm đất, tránh cho họ khỏi vụ nổ do vụ tai nạn gây ra", Tướng Gonzales cho biết.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, sau tai nạn, tất cả các máy bay C130 đã được đình chỉ bay. Ông Lorenzana cũng bác bỏ các cáo buộc nói chiếc máy bay trục trặc kĩ thuật.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Tướng Vinluan cho biết, không có khả năng chiếc máy bay đã tự phát cháy trước khi lao xuống đất.
Tư lệnh quân đội Philippines, tướng Cirilito Sobejana nói với bso chí, "máy bay đã lỡ trớn đường băng và nó đang cố gắng lấy lại đường bay nhưng không thành công và bị rơi".
Một quan chức thuộc Không quân Philippines nói với AP, đường băng ở Jolo khá ngắn khiến phi công khó xoay sở nếu máy bay vượt quá vị trí hạ cánh.
Những hình ảnh ban đầu cho thấy thời tiết ở Sulu khá ổn, mặc dù các khu vực khác của Philippines đang có mưa do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở Sulu lên quy mô sư đoàn đầy đủ kể từ cuối năm 2018, triển khai thêm hàng trăm binh sĩ, máy bay và các thiết bị chiến đấu khác sau khi tuyên bố quyết quét sạch Abu Sayyaf và các tay súng tại đây.
Lockheed C-130 Hercules là một trong hai chiếc máy bay cũ của Không quân Mỹ được bàn giao cho Philippines trong khuôn khổ viện trợ quân sự trong năm nay.
Máy bay ban đầu cất cánh từ Manila chỉ với một số hành khách, trong đó có một tướng quân đội hai sao, Romeo Brawner Jr., người đã xuống máy bay cùng vợ và 3 con ở thành phố Cagayan de Oro, nơi ông chuẩn bị trở thành tư lệnh mơi của quân khu, vào ngày 5/7. Các binh sĩ sau đó đã lên chiếc C-130 ở Cagayan de Oro để thực hiện chuyến bay đến Sulu.
Vụ tai nạn xảy ra vài ngày sau khi một máy bay trực thăng S-701 Black Hawk của Lực lượng Không quân Philippines gặp nạn trong quá trình bay huấn luyện đêm tại thị trấn Capas ở Tarlac, khiến cả 6 phi công trên máy bay thiệt mạng.