Hiện tượng di cư và hiệu ứng tích cực

Tác động tích cực của hiện tượng di cư chính là cải thiện chất lượng nguồn lao động và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là thông tin được nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra mới đây.

Bù đắp sự thiếu hụt

Theo TS. Hồ Công Hòa - Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM): không chỉ giải quyết vấn đề dư thừa lao động ở nơi đi, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo và đóng góp vào phát triển quê hương, việc người dân di cư đến nơi khác làm việc khi quay trở về sẽ là nguồn lao động có chất lượng cho địa phương, nhất là khi họ được tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các công ty lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giúp người di cư học được các kỹ năng mềm trong mọi lĩnh vực. Ngoài ra, việc sinh sống và làm việc của người di cư với những người ở vùng, miền khác nhau còn giúp họ trao đổi, học hỏi về các nền văn hóa khác nhau, hình thành nên nhận thức văn hóa và thị trường bên ngoài. Khi trở về, đây sẽ là nguồn lao động có kinh nghiệm, có tay nghề và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Di cư giúp dịch chuyển và lan tỏa nguồn lao động chất lượng cao

Di cư giúp dịch chuyển và lan tỏa nguồn lao động chất lượng cao

Đối với nơi đến, nguồn lao động nhập cư đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua việc cung cấp nguồn lao động và trực tiếp chi tiêu ở nơi đến. Lao động nhập cư cũng giúp bù đắp sự thiếu hụt cả những lao động có kỹ năng cũng như lao động phổ thông cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế địa phương. Họ trực tiếp tham gia sản xuất và cung cấp dịch vụ tại nơi đến, tạo động lực cho phát triển. Đặc biệt là người lao động sau khi được đào tạo họ thường muốn tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên môn, vì vậy sẵn sàng di cư đến nơi khác để tìm cơ hội cho tương lai, điều này giúp dịch chuyển và lan tỏa nguồn lao động chất lượng cao đến những địa phương khác…

Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế

Theo nghiên cứu của CIEM, ở Việt Nam những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra với quy mô và tốc độ nhanh, nhu cầu lao động công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh tại các đô thị, trong khi lao động tại chỗ không đáp ứng kịp, nên các nhà sử dụng lao động có xu hướng tuyển dụng lao động chủ yếu từ nông thôn, làm tăng thêm sức hút lao động nông thôn. Như vậy, cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn ở đô thị đã tạo nên động cơ nhập cư vào đô thị.

"Tuy nhiên, yếu tố kinh tế không phải lúc nào cũng là động lực chính để ra quyết định di cư, mà còn có các yếu tố khác, trong đó y tế, giáo dục là một trong các yếu tố khá quan trọng" - TS. Hồ Công Hòa nhấn mạnh.

Theo đó, yếu tố y tế, cụ thể là vấn đề tiếp cận các dịch vụ y tế vô cùng quan trọng đối với người di cư. Thông thường các vùng đô thị có dịch vụ chăm sóc y tế tốt hơn vùng nông thôn, do đó cũng có những quyết định của người di cư ở lại thành phố, hoặc di chuyển về thành thị để được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ y tế.

Còn theo TS. Lê Xuân Bá – nguyên Viện trưởng CIEM: Có 3 nguyên nhân dẫn đến di cư, gồm: Do lực hút ở nơi đến và lực đẩy ở nơi đi; sự điều tiết của thị trường lao động; sự điều tiết của nhà nước vào quá trình chuyển dịch lao động.

Như vậy, di cư tạo ra tác động và thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu, chuyển dịch lại nền kinh tế và nâng cao năng suất, chất lượng nguồn lao động. Trong đó, cơ cấu lại nền kinh tế là quá trình sắp xếp lại nền kinh tế với quy mô lớn hơn và tốc độ nhanh hơn để đạt mục tiêu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hien-tuong-di-cu-va-hieu-ung-tich-cuc-156098.html