Hiện tượng El Nino có thể tạo ra cơn bão kinh tế mới
Ngay khi phần lớn mọi người nghĩ rằng sẽ an toàn khi lãi suất có thể sớm đạt đỉnh, thì lại có thêm nhiều tin xấu liên quan tới hiện tượng thời tiết El Nino.
Theo cả Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia của Mỹ (NOAA) và Cục Khí tượng Australia (BOM), hiện tượng thời tiết El Nino đã quay trở lại. Sự xuất hiện của nó thường dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm lũ lụt, sóng nhiệt, khan hiếm nước và cháy rừng, đặc biệt là ở Nam bán cầu.
Những thiệt hại này gây ra cho cây trồng và cơ sở hạ tầng, dẫn tới lạm phát và gia tăng áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Nếu biến đổi khí hậu làm cho những sự kiện như vậy xảy ra mạnh hơn và thường xuyên hơn, thì những cú sốc về nguồn cung sẽ trở nên nghiêm trọng.
El Nino năm nay đang hình thành để phá kỷ lục. Hiện tượng này được tạo ra khi nhiệt độ bề mặt của phía đông và trung tâm Thái Bình Dương ấm hơn ít nhất 0,5 độ C so với mức trung bình, làm suy yếu hoặc đảo ngược dòng chảy của gió mậu dịch. Đợt El Nino mạnh nhất từ trước đến nay là vào năm 2016, khi nhiệt độ bề mặt nước biển cao hơn trung bình 2,6 độ C; và con số này có thể đạt tới 3,2 độ C vào tháng 11 theo dự báo của Cục Khí tượng Australia cách đây vài tuần.
Đến nay, nhà đầu tư đã tập trung vào một số hàng hóa có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất. Hợp đồng tương lai giá gạo đã đạt mức cao nhất trong gần 15 năm vào tháng 6, ngoại trừ đợt bùng phát đại dịch năm 2020. Ba nhà xuất khẩu gạo lớn nhất là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đã trải qua nhiệt độ cao kỷ lục hoặc gần kỷ lục và có xu hướng chịu tác động của thời tiết nóng hơn, khô hơn do El Nino trong năm nay.
Việt Nam đã trải qua điều kiện hạn hán cũng làm ảnh hưởng đến năng suất cà phê. Tuần trước, hợp đồng tương lai cà phê robusta đã đạt mức cao nhất kể từ khi được giới thiệu vào năm 2008, khi tăng 60% trong năm nay.
Theo tính toán, một sự kiện El Nino đơn lẻ dường như có thể kiểm soát được. Nó có thể đẩy giá dầu tăng gần 14% và các mặt hàng phi nhiên liệu hơn 5% trong vòng một năm kể từ khi xảy ra sự kiện.
Tuy nhiên, có nhiều sự thay đổi khi thế giới đang ấm hơn. Một mặt, sự nóng lên toàn cầu đã làm trầm trọng thêm tình trạng khô hạn ở một số khu vực của châu Âu, Trung Quốc, Đông Nam Á và Mỹ, một số nơi El Nino có thể còn trở nên tồi tệ hơn. Mặt khác, nó tạo điều kiện cho các trận đại hồng thủy lớn hơn vì cứ mỗi khi nhiệt độ tăng 1 độ C, không khí có thể chứa thêm 7% nước. Điều đó có nghĩa là các loại cây trồng thường được hưởng lợi khi El Nino mang lại điều kiện ẩm ướt hơn giờ phải đối mặt với nguy cơ bị ngập úng nhiều hơn.
Tác động trực tiếp của thời tiết bị ảnh hưởng bởi El Nino và La Nina đối với gieo trồng, trồng trọt và thu hoạch không phải là vấn đề kinh tế duy nhất. Cơ sở hạ tầng có thể bị hư hại hoặc phá hủy. Vào đầu năm ngoái, lũ lụt đã cuốn trôi một đoạn dài 30 km của tuyến đường sắt duy nhất vận chuyển thực phẩm đến Tây Úc.
Hợp đồng tương lai giá đường đã đạt mức cao nhất trong gần 12 năm vào tháng 6 do lo ngại độ ẩm dư thừa có thể khiến giá đường tiếp tục tăng mạnh. Nhưng có một lý do khác là sự kết hợp giữa mùa màng thất bát mùa trước và khả năng El Nino gây ra tình trạng thiếu nước đã khiến Ấn Độ - nhà sản xuất đường lớn thứ hai thế giới - phải cấm xuất khẩu đường cho đến năm sau.
Có những ví dụ khác gần đây về chủ nghĩa bảo hộ dưới vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Barclays lưu ý rằng: Ấn Độ vào năm ngoái đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo khác xuất khẩu sau những đợt gió mùa dưới mức trung bình, mặc dù mức tồn kho của nước này khá tốt. Trong khi đó, vào tháng 4/2022, Indonesia đã tạm thời cấm xuất khẩu dầu cọ - được sử dụng trong tất cả các loại thực phẩm và hàng hóa khác - do giá dầu ăn trong nước tăng cao.
Tất cả những điều không chắc chắn này khiến những cú sốc nguồn cung tiềm ẩn có khả năng đẩy giá hàng hóa lên cao chỉ trong năm tới. Nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu sẽ khiến chúng trở nên đặc hữu hơn.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vào tháng 5 đã tuyên bố có 98% khả năng trong 5 năm tới sẽ là thời kỳ nóng nhất được ghi nhận do sự kết hợp của khí thải nhà kính và hiện tượng El Nino. Sau khi chật vật đối phó với cơn bão lạm phát do đại dịch và xung đột Nga-Ukraine gây ra, các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với một cơn bão kinh tế mạnh mẽ mới.