Hiện tượng lạ: '7 mặt trời' xuất hiện cùng lúc trên bầu trời

Đoạn video ghi lại khoảnh khắc '7 mặt trời' xuất hiện cùng lúc ở Thành Đô (Trung Quốc), đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.

Mới đây, VTC News đưa tin, những người yêu thích thiên văn học Trung Quốc đã có cơ hội chứng kiến một trong những hiện tượng thiên văn đặc biệt khi "7 mặt trời" xuất hiện cùng một lúc trên bầu trời thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào chiều 18/8.

Đoạn video do một phụ nữ tên Wang quay tại một bệnh viện ở thành phố Thành Đô cho thấy, hình ảnh "7 mặt trời" cùng xuất hiện vào cuối ngày và lặn dần. "7 mặt trời" xuất hiện xếp thành hàng cạnh nhau, có kích thước và màu sắc cũng khác nhau.

Đoạn video sau đó đã được lan truyền trên mạng xã hội xã hội một cách nhanh chóng, làm dấy lên nhiều đồn đoán. Nhiều người còn so sánh hiện tượng này với truyền thuyết Hậu Nghệ - một nhân vật truyền thuyết cổ đại Trung Hoa - bắn hạ 9 trong số 10 mặt trời để bảo vệ trái đất.

Nhiều người tỏ ra thích thú trước khoảnh khắc "7 mặt trời” xuất hiện cùng lúc ở Thành Đô.

Nhiều người tỏ ra thích thú trước khoảnh khắc "7 mặt trời” xuất hiện cùng lúc ở Thành Đô.

Tờ New York Post lý giải đây là ảo ảnh quang học do ánh sáng khúc xạ qua một môi trường nhất định, trong trường hợp này là lớp kính nhiều lớp của cửa sổ bệnh viện. "7 mặt trời" là hình ảnh ảo được tạo ra bởi mỗi ô kính.

Trong khi đó, Sin Chew Daily cho rằng cảnh tượng bất thường này là parhelion, hay còn được gọi là "mặt trời giả".

Mặt trời sáng nhất trong số 7 "mặt trời" có lẽ là mặt trời thật, trong khi những "mặt trời" khác mờ dần độ sáng khi chúng càng xa tâm.

Những hiệu ứng này thường do ánh sáng mặt trời khúc xạ qua các tinh thể băng trong bầu khí quyển của trái đất gây ra, tạo ra ảo giác về nhiều "mặt trời" bên cạnh mặt trời thật.

Còn theo Thanh niên, quan sát hình ảnh được mạng xã hội chia sẻ, ông Vũ Thế Hoàng, Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) nhận định chỉ với vài hình ảnh, không đủ cơ sở để khẳng định chính xác đây có phải hiện tượng thiên văn hay không.

"Tuy nhiên có khả năng hình ảnh là kết quả của hiện tượng khúc xạ qua ống kính máy ảnh hoặc lớp kính trong phòng", ông Hoàng dự đoán.

Đây không phải lần đầu Trung Quốc xuất hiện hiện tượng nhiều mặt trời. Năm ngoái, cảnh tượng "3 mặt trời" đã được ghi lại ở tỉnh Thanh Hải.

Đến tháng 7/2023, hình ảnh "mặt trời đôi" được một người dân ở Tứ Xuyên ghi lại được cũng đã gây sốt mạng xã hội.

Quốc Tiệp (theo VTC News, Dân trí, Thanh niên)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hien-tuong-la-7-mat-troi-xuat-hien-cung-luc-tren-bau-troi-204240824170636613.htm