Hiện tượng 'quỷ cát' trên bãi biển Ấn Độ khiến người dân sợ hãi, được giải thích thế nào?
Một cơn lốc cát (cũng thường được gọi là 'quỷ cát' - dust devil) rất lớn đã bất ngờ xuất hiện trên một bãi biển ở Ấn Độ, tạo nên cảnh tượng đáng sợ. Tại sao hiện tượng này lại xảy ra ở nơi mà bình thường nó không xảy ra? Nó có thể được giải thích thế nào?
Rất nhiều người dân địa phương ở bãi biển Marina (thành phố Chenna, Ấn Độ) đã hốt hoảng bỏ chạy khi một cơn lốc cát khổng lồ xuất hiện, cuốn tung đất đá lên cao trong khi lướt đi dọc theo bờ biển.
Hiện tượng này xảy ra vào khoảng 10h tối vài ngày trước. Vào buổi tối muộn thì hình ảnh cát bụi bốc lên mù mịt, cao ngất và xoay tít khiến ai nhìn thấy cũng hoảng hồn. Video ghi lại cảnh tượng này cũng mới được đăng lên mạng xã hội, ngay cả cư dân mạng dù chỉ nhìn qua màn hình cũng thừa nhận là họ thấy rất đáng sợ.
Đây là video:
Các nhà khí tượng học cho rằng việc có "quỷ cát" ở bãi biển, lại vào buổi tối, là rất khác với thông thường. Vì hiện tượng này chỉ thường xuất hiện ở các sa mạc và vào buổi trưa, khi mặt đất rất nóng. Khi đó, lớp không khí ngay phía trên mặt đất cũng bị nóng, bốc lên cao. Nếu lúc ấy còn có gió thì không khí nóng sẽ xoay tròn, tiếp tục “kéo” không khí nóng vào, cho đến khi tạo nên một xoáy thẳng đứng. Xoáy này lại “kéo” nhiều bụi đất vào, từ đó tạo thành lốc cát.
Lốc cát thường trông rất đáng sợ, ở một số nơi tại Mỹ, nó còn được gọi là “con quỷ nhảy múa” (dancing devil) do cát bụi bị cuốn lên trông như cái bóng đang nhảy múa thật.
Mặc dù "quỷ cát" trông rất giống lốc xoáy nhưng chúng lại là 2 thể loại khác nhau. "Quỷ cát" thường xảy ra vào ngày trời trong, một cách hoàn toàn bất ngờ; còn lốc xoáy thường hình thành từ gió xoáy trong dông bão.
Trong trường hợp của trận lốc cát mới đây ở Ấn Độ, theo trang Weather.com thì lý do là gần đây Chennai rất nóng, nhiệt độ ban ngày lên tới 35oC. Trời càng nóng nực hơn do hiện tại ở đây rất ít mưa. Điều này có thể khiến mặt đất và không khí ở gần bãi biển bị nung nóng, dẫn đến lốc cát.