Hiệp định EVFTA tác động như thế nào tới Việt Nam
Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Theo báo cáo của Chính phủ thuyết minh về Hiệp định EVFTA. EVFTA được khởi động đàm phán vào năm 2012, kết thúc đàm phán kỹ thuật vào năm 2015. Hiệp định đã được hai bên chính thức ký kết vào ngày 30 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội.
Việc kết thúc đàm phán thành công và từ đó tiến tới ký kết Hiệp định là một chặng đường dài với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ với mục tiêu nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Liên minh châu Âu lên một tầm cao mới nói riêng và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại EU, ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nội dung chính của Hiệp định gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề truyền thống như cắt giảm thuế quan, mở cửa lĩnh vực dịch vụ và đầu tư… và phi truyền thống như phát triển bền vững, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước…
Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định củaTổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Tác động của EVFTA tới Việt Nam
Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại: Việc ký kết và phê chuẩn EVFTA phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ trương của ta trong việc đưa quan hệ với các đối tác lớn, trong đó có EU, đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích chiến lược, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, đặc biệt trong năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, tranh thủ sự ủng hộ của EU cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, chính trị, đối ngoại nhiều mặt của Việt Nam hiện nay.
Về kinh tế: Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT),EVFTA sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (bình quân từ 2,18% đến 3,25% cho 5 năm đầu thực hiện và khoảng 4,57% đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo) và trao đổi thương mại hai chiều (xuất khẩu sang EU tăng khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 trong khi nhập khẩu từ EU tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030).
Ngoài ra, các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư sẽ giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư chất lượng cao của nước ngoài, đặc biệt từ các nước EU cũng như thúc đẩy quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do vậy, việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong và sau giai đoạn dịch bệnh. Từ phía doanh nghiệp, EVFTA còn mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn, giúp doanh nghiệp lấy lại đà phục hồi trong giai đoạn khó khăn này.
Đối với vấn đề pháp luật, thể chế: EVFTA là cơ hội để tiếp tục cải cách thể chế - pháp luật, hoàn thiện môi trường kinh doanh, tăng cường bảo vệ quyền SHTT, thúc đẩy hoạt động sáng tạo và thu hút công nghệ cao của nước ngoài.
Về lao động, việc làm, an sinh, xã hội: Theo nghiên cứu của Bộ KHĐT, EVFTA giúp tăng thêm 146.000việc làm/năm trong những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU nhưng một số ngành sẽ chịu tác động giảm việc làm như ngành lâm nghiệp, khai khoáng, sản xuất lúa gạo với mức giảm từ 0,26 đến 0,36%/năm.
Về các thách thức: Thứ nhất, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Để đối phó với áp lực cạnh tranh, hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định, cam kết của Hiệp định.
Thứ hai, EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, phát triển bền vững, v.v... Thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi cải cách hệ thống pháp lý của ta. Tuy nhiên, về cơ bản, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả của mua sắm công, đổi mới mô hình tăng trưởng của ta.
Thứ ba, các cam kết về lao động trong đó bao gồm việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) để thực thi các cam kết về thương mại và phát triển bền vững có thể làm gia tăng sức ép về giám sát xã hội trong quá trình thực thi Hiệp định và từ đó đặt ra những thách thức nhất định đối với Việt Nam. Dù vậy, trong thời gian qua, Chính phủ đã thảo luận và cân nhắc rất kỹ về định hướng, lộ trình, cách thức sửa đổi các văn bản pháp luật trong nước, phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng như công tác chuẩn bị về pháp lý và hành chính đối với việc thành lập Nhóm DAG.