Hiệp định Geneva và sự đóng góp của đối ngoại Nhân dân
Hội nghị Geneva là một thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam nói chung cũng như của ngoại giao Việt Nam nói riêng, là thắng lợi của tình đoàn kết quốc tế cao cả, của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Đối ngoại nhân dân tự hào được là một phần của những thành công đó.
Để có được những thành công to lớn đó, không chỉ là những nỗ lực của Đoàn đàm phán do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu trong 75 ngày với 31 phiên họp, mà đó là thắng lợi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam; thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, của khát vọng độc lập, tự do và hòa bình được hun đúc qua nghìn năm lịch sử của dân tộc; của đường lối cách mạng, đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; của cuộc chiến đấu 9 năm trường kỳ với bao gian khổ và hy sinh của quân và dân ta.
Mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam
Ngay trước khi Cách mạng tháng Tám thành công, Việt Nam đã nhận được tình đoàn kết, sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới, đặc biệt là Quốc tế Cộng sản, các Đảng cộng sản và công nhân các nước, các tổ chức dân chủ thế giới, các phong trào hòa bình, phong trào phản chiến ở các nước.
Trong mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ và đoàn kết với Việt Nam, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô và Trung Quốc là lực lượng nòng cốt với sự ủng hộ mạnh mẽ về cả tinh thần và chính trị, cũng như sự giúp đỡ to lớn và quý báu về vật chất.
Các tổ chức hòa bình, tổ chức dân chủ thế giới (công đoàn, phụ nữ, thanh niên, sinh viên, luật gia…) tổ chức rất nhiều hoạt động đoàn kết, ra nhiều nghị quyết ủng hộ cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta. Đại hội lần thứ hai của Hội đồng Hòa bình thế giới tại Warsaw Ba Lan năm 1950 đã ra tuyên bố ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam.
Đại hội Công đoàn thế giới lần thứ ba tháng 10/1953 ở Viên, Áo quyết định lấy ngày 19/12/1953 làm “Ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam anh dũng và đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam”. Nhiều cuộc biểu tình, mít-tinh và các hội nghị quốc tế của các lực lượng và tổ chức hòa bình, dân chủ đã thực sự là những cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ nhân dân ta.
Cùng với đó là sự ủng hộ của nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, Phi và Mỹ Latinh, nhất là các nước thuộc địa của Pháp, các nước mới giành độc lập dân tộc. Đông đảo nhân dân Pháp, Mỹ cũng đã đồng tình, ủng hộ nhân dân ta kháng chiến.
Phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp đòi Chính phủ Pháp chấm dứt cuộc chiến tranh “bẩn thỉu” ở Việt Nam phát triển nhanh và mạnh, thúc đẩy sự hình thành một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Nội dung và hình thức đấu tranh rất phong phú: biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh, đình công không sản xuất, bốc dỡ vũ khí và phương tiện chiến tranh đưa sang Đông Dương, vứt vũ khí xuống biển…
Chúng ta mãi ghi nhớ hình ảnh của những người công nhân ở bến cảng Algeria không chịu bốc vũ khí lên tàu chở sang Việt Nam, hình ảnh chị Raymonde Dien nằm ngang đường xe lửa để cản đoàn tàu chở vũ khí tiếp tế cho quân Pháp ở Việt Nam hay anh Henri Martin phất cờ phản chiến trong hàng ngũ hải quân Pháp; đồng chí Léo Figùeres, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, nghị sĩ Quốc hội Pháp với những bài viết mạnh mẽ gửi đăng trên các báo của Pháp; nữ nhà văn, nhà báo Pháp Madeleine Riffaud với những thiên phóng sự nổi tiếng ngợi ca tinh thần anh dũng của các dân tộc bị áp bức quyết vùng lên giành độc lập, tự do, đòi quyền sống...
Những bài học lịch sử
Thứ nhất là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức sâu sắc về sức mạnh to lớn của trào lưu giải phóng dân tộc, đặt cách mạng nước ta trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ nền độc lập, tự do và giành lại hòa bình là một bộ phận của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nhờ vậy ngay từ những ngày đầu của Cách mạng Việt Nam, chúng ta đã có khả năng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn để giành thắng lợi.
Thứ hai là bài học về đoàn kết quốc tế. Nhân dân ta coi sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế là sự đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến của nhân dân ta và coi thắng lợi của Việt Nam là một sự đóng góp tích cực vào thắng lợi chung của nhân dân thế giới.
Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên vận động quốc tế, tranh thủ tình hữu nghị, sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân Pháp, nhân dân các nước thuộc địa, đặc biệt là nhân dân Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ; thường xuyên tố cáo tội ác của đế quốc thực dân Pháp áp bức, bóc lột nhân dân ta và giới thiệu về cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta; làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ nhân dân Việt Nam giữ vững đường lối độc lập tự chủ, tự lực tự cường đồng thời rất coi trọng đoàn kết quốc tế.
Đồng thời, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường xuyên tham gia cuộc đấu tranh chung của các tổ chức dân chủ quốc tế. Năm 1949, Việt Nam là một trong những nước tham gia sáng lập Hội đồng Hòa bình thế giới khi cử 11 đại biểu tham gia Đại hội thành lập Hội đồng. Năm 1950, dù trong điều kiện khó khăn của kháng chiến, ta vẫn có gần 6 triệu chữ ký để hưởng ứng Lời kêu gọi Stockhom về cấm vũ khí hạt nhân.
Nhân dân Việt Nam thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc (cuộc đấu tranh của nhân dân Indonesia chống thực dân Hà Lan, cuộc chiến đấu của nhân dân Triều Tiên chống Mỹ, phong trào đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa Pháp, cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Guatemala…).
Thứ ba là bài học về phối hợp, kết hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối ngoại Nhân dân đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, đường lối, chính sách của Đảng.
Đối ngoại Nhân dân lúc đó không chỉ là nhiệm vụ của các tổ chức nhân dân như Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy ban đoàn kết châu Á của Việt Nam, Hội Công nhân Cứu quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mà nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đối tượng của công tác vận động quốc tế thời điểm đó cũng không chỉ là các tổ chức, phong trào nhân dân mà còn là các Đảng chính trị, các chính phủ, giới báo chí.
Chính nhờ các hoạt động đồng bộ đó mà nhân dân thế giới hiểu hơn về Việt Nam, về ngọn cờ chính nghĩa mà Đảng ta và Bác Hồ nêu cao, từ đó có nhiều hoạt động đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Bảy mươi năm nhìn lại những đóng góp to lớn của đối ngoại nhân dân với thắng lợi Điện Biên Phủ tháng 5/1954 và việc ký kết Hiệp định Geneva 1954, mỗi cán bộ làm công tác đối ngoại Nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức nhân dân hôm nay càng cảm thấy tự hào về lịch sử hào hùng, về những đóng góp to lớn của các thế hệ cha anh, để ngày càng cố gắng, nỗ lực to lớn hơn để xứng đáng với lịch sử hào hùng đó.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hiep-dinh-geneva-va-su-dong-gop-cua-doi-ngoai-nhan-dan-268840.html