Hiệp định genève - thắng lợi ngoại giao mang ý nghĩa thời đại

Sau những cuộc đấu trí, tranh luận căng thẳng, đêm 20, rạng ngày 21/7/1954, đại diện các nước tham dự Hội nghị Genève (trừ Mỹ) đã nhất trí với Bản tuyên bố cuối cùng về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi sau khi Hội nghị Genève thành công, khẳng định: 'Ngoại giao ta đã thắng lợi to'.

Hội nghị Genève (Thụy Sĩ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ảnh: Tư liệu

Hội nghị Genève (Thụy Sĩ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ảnh: Tư liệu

Ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn những nỗ lực chiến tranh của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Một ngày sau đó, Hội nghị Genève bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức khai mạc. Quy luật của đấu tranh quốc tế là ngoại giao luôn luôn phải dựa vào thực lực. Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa dân tộc và có tiếng vang quốc tế rất rộng lớn. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đoàn đại biểu Chính phủ ta do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu, bước vào hội nghị với tư thế của người chiến thắng, trong khi đoàn của Bidault (Pháp) mặc y phục lễ tang với bộ mặt đau buồn.

Trước đó, vào ngày 27/7/1953, Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên được ký kết. Hiệp định này có tác động rất lớn tới việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương trong chính trường nước Pháp. Tại cuộc họp bàn về vấn đề Đông Dương của Quốc hội Pháp diễn ra từ ngày 23 đến 27/10/1953, nhiều nghị sĩ đã lên tiếng đòi thương lượng với Việt Minh để đi đến kết thúc chiến tranh. Trong khi đó, phái chủ chiến mặc dù đã cảm nhận được rằng khó có thể đánh bại, nhưng vẫn ngoan cố theo đuổi cuộc chiến; hy vọng cùng với sự viện trợ và sự giúp đỡ toàn diện của Mỹ có thể giành lấy một thắng lợi về quân sự, buộc Chính phủ Hồ Chí Minh phải chấp nhận đàm phán theo những yêu cầu có lợi cho Pháp.

Cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam đã đập tan Kế hoạch Navarre - cố gắng chiến tranh cao nhất, nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Chiến thắng đó là một đòn chí mạng giáng vào ý chí xâm lược, âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh, buộc thực dân Pháp và can thiệp Mỹ phải chấp nhận nói chuyện một cách nghiêm túc, sòng phẳng với Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc tìm giải pháp cho vấn đề Đông Dương.

Tham dự Hội nghị Genève có 9 nước: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam dân chủ cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Campuchia và Vương quốc Lào. Việt Nam dân chủ cộng hòa đến hội nghị trong tư thế của người chiến thắng với mục tiêu giành độc lập và hòa bình cho Việt Nam, Lào và Campuchia. Cuối tháng 6, đầu tháng 7/1954, trong khi tại Hà Nội và các chiến trường khác ở Đông Dương, hoạt động quân sự và các phong trào đấu tranh chính trị đang diễn ra hết sức sôi động, thì tại Hội nghị Genève, các cuộc thương lượng gần như vẫn giậm chân tại chỗ, quan điểm của hai phía và các giải pháp cho vấn đề Đông Dương của các bên còn khác xa nhau khá nhiều. Thời gian này, chủ yếu diễn ra các cuộc gặp song phương không chính thức; trong đó, đáng chú ý có cuộc gặp tại Liễu Châu giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chu Ân Lai (từ ngày 3 đến ngày 5/7) “để trao đổi một số ý kiến và nghiên cứu những biện pháp thích hợp với tình hình Đông Dương và tình hình quốc tế hiện tại nhằm đạt tới việc lập lại hòa bình”.

Trải qua 2 tháng rưỡi đàm phán với 8 phiên họp chính thức và 23 phiên họp phụ, Hội nghị Genève cũng đã đạt được kết quả cuối cùng. Hội nghị thông qua bản Tuyên bố về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương gồm 13 điều, trong đó có một số điều đáng chú ý như: Pháp cam kết rút hết quân, tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia; lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam; Tổng tuyển cử sẽ được tiến hành sau 2 năm... Đại diện 8 đoàn nhất trí thông qua các văn kiện của hội nghị; riêng đoàn Mỹ không nhất trí mà chỉ ra một tuyên bố ghi nhận. Hành động của đoàn Mỹ cho thấy sự phản ứng đối với kết quả của hội nghị, nhưng xa hơn thì đó là bước dọn đường cho việc không thi hành Hiệp định để hất cẳng và thế chân Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.

Tại Hội nghị Genève, Việt Nam lần đầu tiên tham gia một diễn đàn đa phương do các nước lớn chi phối; vả lại, mỗi nước đến hội nghị đều mang theo những toan tính riêng, đặc biệt là 4 nước lớn. Chính vì vậy, Việt Nam dân chủ cộng hòa đã không phát huy được hết những lợi thế mà chiến thắng Điện Biên Phủ cùng những chiến thắng khác trên chiến trường mang lại. Cho tới nay, về cơ bản, các nhà nghiên cứu thống nhất một số nội dung mà ta không giành được tại Hội nghị Genève, như: Định giới tuyến phân vùng không đạt yêu cầu tối thiểu là vĩ tuyến 16; định Tổng tuyển cử thống nhất là 2 năm và cuối cùng là không có. Cũng còn có ý kiến cho rằng, không có đại diện lực lượng kháng chiến Lào, Khmer; không có một vùng tập kết, dù nhỏ, cho lực lượng Khmer kháng chiến...

Về việc không có đại diện của kháng chiến Lào và Campuchia dự hội nghị, không có lý gì đáng bàn. Hội nghị tứ cường ở Berlin đã quyết định thành phần Hội nghị Genève; họ tính đến các nhà nước, chính phủ có vị trí được quốc tế công nhận. Về khu tập kết cho lực lượng kháng chiến Campuchia, thì lực lượng quá nhỏ bé, lực lượng chiến đấu chính là khoảng 1.000 quân tình nguyện Việt Nam; chưa có vùng giải phóng nào đáng kể. Campuchia hồi đó đã được Pháp công nhận độc lập từ năm 1952, vị thế khác chính quyền Bảo Đại, cho nên khó lòng đòi có khu vực tập kết.

Mặc dù còn một số điểm hạn chế nhất định, với Hiệp định Genève, Việt Nam dân chủ cộng hòa đã đạt được mục tiêu căn bản nhất là buộc Pháp phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, rút hết quân; Pháp và các nước khác phải công nhận các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam: Độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ - điều mà 9 năm trước, tại Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, Pháp đã không chịu chấp nhận. Chúng ta có một miền Bắc hoàn toàn được giải phóng làm cơ sở để xây dựng thành hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước về sau này. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève, Việt Nam dân chủ cộng hòa có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế và có vai trò quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Hiệp định Genève cũng đã tạo ra một cơ sở pháp lý và chỗ dựa về đạo lý để nhân dân Việt Nam đấu tranh với Mỹ trong cuộc trường chinh 21 năm sau đó. Từ đó, có thể khẳng định nhất quán rằng, Hiệp định Genève là thắng lợi của nhân dân Việt Nam; đồng thời, cũng là thắng lợi chung của các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc. Hiệp định Genève cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc thuộc địa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới vững tin vào chính nghĩa, đạo lý và công lý, đứng lên đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Hải Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hiep-dinh-geneve-thang-loi-ngoai-giao-mang-y-nghia-thoi-dai-post477878.html