Hiệp định Paris và đường lối đối ngoại sáng suốt của Đảng

Cách đây 50 năm, vào ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tạo nên bước ngoặt lịch sử đi đến đại thắng mùa xuân năm 1975. Những bài học trong lịch sử tiếp tục được Đảng ta duy trì, phát triển với quan điểm xuyên suốt về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký văn kiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN).

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký văn kiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN).

Hiệp định Paris (gồm 9 chương, 23 điều) trải qua quá trình đàm phán dài nhất trong lịch sử thế giới với 4 năm 8 tháng 16 ngày, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo và gần 1.000 cuộc phỏng vấn cùng rất nhiều cuộc biểu tình trên khắp thế giới phản đối chiến tranh tại Việt Nam.

Nếu không khôn khéo vận dụng sáng tạo sức mạnh tổng hợp, ta đã không thể buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. Thậm chí, cuộc hội đàm cam go đến nỗi, ngay cả khi bước vào bàn nghị sự, các bên vẫn “đấu trí” về cấu tạo, hình thù của cái bàn, vì hình thù và phân chia chỗ ngồi là xác nhận tính chất pháp nhân của các bên. Vậy, bàn đàm phán sẽ là 2 bên hay 4 bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ, chính quyền Sài Gòn). Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - một trong 4 người đại diện ký hiệp định ngày ấy: “Ta yêu cầu cái bàn vuông hoặc cái bàn tròn chia bốn, Mỹ yêu cầu cái bàn chữ nhật có hai bên hoặc cái bàn tròn chia đôi. Sau đó đi đến thống nhất, một cái bàn tròn to, đường kính 8m, cắt đôi, trải khăn bàn màu xanh, mỗi bên có một vạch phân chia nằm bên ngoài, như vậy hiểu 2 hay 4 bên đều được”(1).

Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris (Pháp). (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)

Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris (Pháp). (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)

Hơn 4 năm đi đến ký kết hiệp định là chừng đó thời gian Nhân dân 2 miền Nam, Bắc vừa đồng cam cộng khổ, vừa phải gánh chịu nhiều tổn thất vô cùng to lớn. Sẽ chẳng thể có bản ký kết nếu các nấc thang trên chiến trường chúng ta không giải quyết tốt. Nhưng, cũng chẳng thể có điều đó, nếu Đảng không chủ trương thực hiện những “bước đi khôn khéo”, nhất là ra đời Nghị quyết 15 của Trung ương (tháng 1/1959) nêu rõ cần ra đời một mặt trận riêng ở miền Nam, để ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.

Mặt trận là nơi đoàn kết các tầng lớp đại diện cho Nhân dân miền Nam với lập trường hòa bình trung lập, thực hiện vận động quốc tế rộng lớn (lá cờ nửa đỏ nửa xanh đã tung bay trên nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ - La tinh, châu Phi những năm ấy).

Tiếp đó, nhận thấy tính cấp thiết về thành lập một cơ quan quyền lực tại miền Nam để giương cao ngọn cờ pháp lý, quản lý vùng giải phóng và thực hiện các chức năng khác, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được thành lập ngày 6/6/1969. Từ đây, Bộ Ngoại giao của chính phủ này đã ra đời. Từ tháng 6/1969 đến cuối năm 1975, đã có hơn 50 nước trên thế giới (trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa) công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam(2).

Trong bối cảnh sự đối đầu giữa 2 hệ thống xã hội trên thế giới, giữa 2 thái cực Liên Xô và Mỹ rất sâu sắc, phong trào cộng sản và công nhân cũng như hệ thống XHCN xuất hiện những bất đồng, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế. Đó thực sự là những tính toán chính xác, vô cùng kỳ diệu dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Chỉ tính riêng việc chọn Paris - thủ đô của đất nước từng xâm lược Việt Nam làm địa điểm đàm phán đã cho thấy chiến lược tính toán đến tỉ mỉ. Bởi vì, Paris là trung tâm hoạt động của châu Âu, là nơi chúng ta dễ dàng thông tin tới thế giới qua mạng lưới báo chí và các phái đoàn.

Quang cảnh buổi ra mắt hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước" của bà Nguyễn Thị Bình tháng 6/2012. Ảnh: Xuân Thủy.

Quang cảnh buổi ra mắt hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước" của bà Nguyễn Thị Bình tháng 6/2012. Ảnh: Xuân Thủy.

Nhờ chủ trương sáng suốt và tài năng, mưu trí của những nhân vật kiệt xuất được giao nhiệm vụ, thế giới ngày càng hiểu rõ hiện tình Việt Nam. Nhân dân nhiều nước đã xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh tại Việt Nam như tại: Mỹ, Pháp, Ý, Anh, Canada, Thụy Điển, Bulgary, Cuba, Zambia, Tanzania... Nhiều khẩu hiệu nổi tiếng được người dân các nước giương cao như: “Anh là Việt Nam. Tôi là Việt Nam. Chúng ta là Việt Nam” tại Calcutta (Ấn Độ); “Đoàn kết với Việt Nam”, “Chấm dứt ngay chiến tranh” tại London (Anh).

Thậm chí, một thanh niên Mỹ tên là Martin Feryder vào năm 1972 đã dẫn đầu đoàn gồm 24 người đến gặp bà Nguyễn Thị Bình để tặng một bài thơ, trong đó có đoạn: “Mắt tôi lóa đi vì một ngọn lửa/ Hiện thân của sức sống Việt Nam/ Tim tôi nhảy múa vì xúc động/ Ôi! Tình yêu Việt Nam! Hòa bình” (3).

Thắng lợi trên bàn đàm phán cách đây 50 năm cho thấy sự đúc kết chính xác, dễ hiểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng”. Mỹ sẽ không ngồi vào bàn đàm phán nếu từng kế hoạch trên chiến trường không bị chúng ta bẻ gãy. Đỉnh điểm là trận đánh “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972. Tháng 10 năm ấy, trước khi bầu cử tổng thống Mỹ, phía ta và Mỹ đi đến thỏa thuận về một bản dự thảo Hiệp định Paris để chấm dứt chiến tranh, dự định ký vào ngày 30/10. Nhưng, ngay khi thắng cử tổng thống, Nixon đã lật lọng, đòi thay đổi. Để ép buộc Việt Nam, ông ta chỉ thị máy bay B52 không kích 12 ngày đêm xuống Hà Nội, Hải Phòng. Tuy nhiên, Mỹ phải cay đắng chấp nhận thất bại.

Về trận đánh B52 - trận quyết định để người Mỹ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình ghi một chi tiết rất quan trọng: “Từ năm 1960, Hồ Chủ tịch đã nói: “Kinh nghiệm ở Triều Tiên, Mỹ cuối cùng sẽ dùng B52 để đe dọa chúng ta”. Theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, từ đó quân đội ta đã nghiên cứu cách hạ máy bay B52”(4).

Từ đây, chúng ta hiểu vì sao, phải trải qua hơn 4 năm, mong muốn của chúng ta về ký hiệp định lập lại hòa bình mới được các bên đồng ý. Đó cũng là bài học muôn thuở trong quan hệ quốc tế, bởi trong nhiều trường hợp, công lý không thể được tự giác thực thi mà phải thông qua nhiều giải pháp tổng hợp khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao 31. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao 31. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày nay, trong bối cảnh quan hệ quốc tế xuất hiện những xung đột gay gắt, một số tình huống cụ thể, thế giới trông chờ phản ứng của Việt Nam, bởi “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhưng, Việt Nam luôn nhất quán. Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở Washington D.C hồi tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ: “Giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi chọn độc lập; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hòa bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hòa bình. Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, coi công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở nguyên tắc của luật pháp quốc tế, hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa. Tính đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 190 trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng.

Từ Hiệp định Paris đến thành quả to lớn trong công tác đối ngoại hôm nay càng cho thấy sự sáng suốt trong đường lối lãnh đạo của Đảng. Trong bất kỳ bối cảnh nào, chúng ta luôn biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.

____

(1), (3), (4). Nguyễn Thị Bình, Hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước”, Nxb Tri thức, 2012, tr.89, tr.129, tr.133.

(2). Dẫn theo: Nguyễn Thị Mai, Hoạt động đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1960-1975, tapchicongsan.org.vn.

Mạnh Hà

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/binh-luan/hiep-dinh-paris-va-duong-loi-doi-ngoai-sang-suot-cua-dang/243678.htm