Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chưa hết hy vọng?
Bất luận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 ra sao, đây cũng được coi là thời điểm quan trọng để thúc đẩy các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu không thể chậm trễ thêm...
Thời điểm những lá phiếu đầu tiên được kiểm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng là thời điểm chính quyền Washington chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (Hiệp định Paris). Mặc dù Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên công bố ý định rút khỏi Hiệp định Paris vào tháng 6-2017, nhưng hiện nay Mỹ mới chính thức rút khỏi thỏa ước này do có nhiều quy định ràng buộc. Cho dù tổng thống nào lên cầm quyền ở nước Mỹ, thì đều có thể coi là cơ hội để thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong vấn đề chung nóng bỏng không của riêng quốc gia nào.
Ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden đã hứa đưa Mỹ trở lại hiệp định này và kêu gọi các quốc gia cam kết mạnh mẽ hơn nữa trong việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thậm chí, ông Joe Biden còn hứa tổ chức một hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn ở Washington trong vòng 100 ngày đầu tiên nhậm chức, để vạch ra một lộ trình chung về hành động vì khí hậu.
Tổng thống Donald Trump cho dù không ủng hộ Hiệp định Paris nhưng sự quay lưng của ông đối với bản thỏa ước này lại được xem là cơ hội để các nước nhận ra càng phải đồng lòng hơn để cứu Hiệp định Paris như một lựa chọn không thể khác. Một thỏa ước quốc tế như vậy bị “xé nát” đồng nghĩa với những nguy cơ vô cùng tồi tệ đối với Trái Đất kéo theo những hệ lụy về môi trường mà không một quốc gia nào thoát. Lời cảnh tỉnh không xa đó là một số nước gần đây đã trải qua thảm họa cháy rừng chưa từng có tiền lệ như ở miền Tây nước Mỹ, tại Australia, Brazil và nhiều nước trên thế giới. Cho đến nay, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán xuất hiện nhiều hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn.
Điều cần lưu ý là những thảm họa này ập tới vào thời điểm hợp tác toàn cầu về chống biến đổi khí hậu bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là sau khi Mỹ không còn mặn mà ở lại Hiệp định Paris. Trong khi đó, thỏa ước được cho là cơ hội tốt nhất để ổn định khí hậu của hành tinh luôn trong tình trạng “nói thì nhiều” mà “làm chẳng được bao nhiêu” bởi các cam kết suông của nhiều nước tham gia. Trước tình thế cấp bách của khí hậu bị biến đổi, vào ngày Mỹ chính thức lìa bỏ Hiệp định Paris, Liên hợp quốc đã ra tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương mở rộng quy mô hành động và tăng cường phối hợp để giảm thiểu tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Trong một tín hiệu lạc quan khác, vào thời điểm Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris theo quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump, các lãnh đạo bang New York và thành phố New York cùng ngày đã bày tỏ không tán thành quyết định này và quyết tâm bảo vệ hiệp định. Trên trang mạng Twitter, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã đăng lại bài viết của Liên minh Khí hậu Mỹ (USCA), một liên minh lưỡng đảng tập hợp các thống đốc bang, trong đó khẳng định, bất luận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ như thế nào, 25 thống đốc bang tham gia USCA vẫn cam kết ủng hộ hành động vì khí hậu và Hiệp định Paris, đồng thời kêu gọi chính quyền liên bang đưa Mỹ trở lại hiệp định này và đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015 đặt mục tiêu kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 đến 2 độ C. Theo thỏa thuận này, cứ 5 năm một lần, các nước tham gia hiệp định phải tăng mức cam kết giảm phát thải khí. Nhưng đáng tiếc năm 2020-thời điểm mà các nước phải thực hiện quy định này lại là một năm chứng kiến những bước thụt lùi trong việc thực thi hiệp định. Đại dịch Covid-19 đã ngăn cản việc các nước thành viên tổ chức họp thượng đỉnh thường niên vào năm 2020 về biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy các cam kết.
Trước rất nhiều cản trở khó tránh, có chuyên gia cho rằng Hiệp định Paris năm 2015 chỉ nên coi là “kim chỉ nam để hướng tới chứ không phải để thực hiện trong thời điểm 5 đến 10 năm nữa”. Việc nhắc tới tăng mức cam kết vào thời điểm này có thể nói là điều viển vông vì trước khi đó, cần phải thúc đẩy các nước thực thi cam kết đầu tiên mà mình đưa ra khi ký vào hiệp định. Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) được hoãn đến năm 2021 lại được cho là một cơ hội nữa của Hiệp định Paris. Sự chậm trễ này đang được hy vọng là một điều may mắn cho hành động vì khí hậu, bởi khi đó, các nền kinh tế lớn lên kế hoạch hồi phục sau đại dịch Covid-19 và sẽ đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng như chính sách công nghiệp xanh nhiều hơn.