Hiệp Hòa phát triển kinh tế hợp tác: Sản xuất theo chuỗi để tăng giá trị

Thời gian qua, huyện Hiệp Hòa thường xuyên quan tâm xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX). Nhiều HTX trên các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp đến xây dựng, dịch vụ, giao thông vận tải… đã được thành lập, góp phần tích cực phát triển KT-XH địa phương.

Nhiều mô hình tiêu biểu

HTX Nông nghiệp Thái Sơn thuộc địa bàn xã Thái Sơn được thành lập năm 2020 với lĩnh vực hoạt động chủ yếu là thu mua thóc nếp cái hoa vàng của nông dân địa phương để chế biến, đóng gói sản phẩm gạo “nếp cái hoa vàng Thái Sơn”. Đây cũng là sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao từ năm 2021.

 Thực hiện quy trình đóng góp sản phẩm ở HTX Nông nghiệp Thái Sơn.

Thực hiện quy trình đóng góp sản phẩm ở HTX Nông nghiệp Thái Sơn.

Năm 2022, từ nguồn kinh phí hỗ trợ công tác khuyến công, UBND huyện Hiệp Hòa hỗ trợ gần 250 triệu đồng cho đơn vị xây dựng mô hình “Nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng”, gồm các hạng mục: Hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh; bao bì có tem truy xuất; máy hút chân không công nghiệp và hệ thống máy xay xát gạo. Nhờ đó, sản phẩm của HTX ngày càng được nâng cao giá trị kinh tế, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Mới đây, HTX được cấp chứng nhận tiêu chuẩn HACCP (hệ thống xác định, đánh giá và kiểm soát các mối nguy đối với an toàn thực phẩm), tạo tiền đề để xây dựng sản phẩm OCOP đạt 4 sao trong năm nay.

Ông La Văn Trọng, thành viên HTX cho biết, ngoài mục tiêu này, HTX dự định sẽ đi sâu chế biến các sản phẩm từ gạo như: Xôi nén, bánh giầy, bánh chưng, bột gạo. Đặc biệt, từng bước tìm kiếm đầu ra ổn định, mở rộng quy mô sản xuất để thu mua hết thóc cho nông dân. Hiện nay, tại địa phương đã xây dựng vùng chuyên canh nếp cái hoa vàng diện tích 60 ha, với 400 hộ tham gia, sản lượng khoảng 300 tấn thóc/năm. Tuy nhiên, HTX mới chỉ thu mua được khoảng 100 tấn, tương ứng khoảng 70 tấn gạo thành phẩm, trừ chi phí thu lãi mỗi năm từ 350-400 triệu đồng.

Tương tự, HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3, thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng với chuỗi liên kết sản xuất kết hợp với công nghệ trong nhà màng và tưới nhỏ giọt cũng đang cho hiệu quả kinh tế cao. Các sản phẩm chủ yếu của HTX là nho hạ đen, sản lượng 10,5 tấn/năm, dưa lưới 54 tấn/năm, dưa chuột bao tử 420 tấn/năm, lạc đen 3,6 tấn/năm… Đây là những sản phẩm đang được thị trường đánh giá cao về chất lượng, được Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, siêu thị Co.opmart Bắc Giang, siêu thị VinMart Hà Nội liên kết tiêu thụ. Tổng doanh thu hằng năm của HTX đạt khoảng 9 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 2 tỷ đồng, bảo đảm mức thu nhập cho xã viên HTX và người lao động từ 5 - 6 triệu đồng/tháng…

Chú trọng hoạt động hiệu quả

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hiệp Hòa có tổng số 197 HTX với hơn 1 nghìn thành viên, trong đó chủ yếu là HTX ở lĩnh vực nông nghiệp. Qua tính toán, doanh thu bình quân của mỗi HTX ước đạt khoảng 2,2 tỷ đồng/năm; thu nhập của mỗi thành viên HTX bình quân trên 74 triệu đồng/năm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hiệp Hòa có tổng số 197 HTX với hơn 1 nghìn thành viên, trong đó chủ yếu là HTX ở lĩnh vực nông nghiệp. Qua tính toán, doanh thu bình quân của mỗi HTX ước đạt khoảng 2,2 tỷ đồng/năm.

Được biết, để các HTX hoạt động hiệu quả, hằng năm, huyện triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Đơn cử, trong năm 2024, huyện bố trí trong dự toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản hơn 8,1 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ tập trung đất đai, cơ giới hóa trong nông nghiệp, thủy sản; cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp và thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa tập trung…

Theo đánh giá của UBND huyện, các HTX từng bước hoạt động hiệu quả, tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp. Thông qua HTX, các hộ thành viên có điều kiện tham gia và được hỗ trợ từ các chương trình, dự án phát triển KT-XH tại địa phương. Một số HTX hoạt động hiệu quả đã tạo ra công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Qua đây góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đáng chú ý, số lượng HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng tăng, đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. Một số HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Đơn cử, mô hình liên kết của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, xã Danh Thắng với chuỗi liên kết lợn thảo dược. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn, đầu tư dây chuyền giết mổ, chế biến cho đến cung cấp ra thị trường qua chuỗi bán lẻ tại TP Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang… Với tổng sản lượng đạt gần 500 tấn/năm, doanh thu hằng năm của HTX đạt khoảng 30 tỷ đồng; tạo thu nhập thường xuyên cho 15 lao động có mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Hay như HTX Nông nghiệp Hoàng Lương chuyên sản xuất rau cần và cá giống trên diện tích hơn 45 ha. Trong đó, sản xuất rau cần từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau, sản lượng hơn 300 tấn/năm. Khi hết vụ rau cần, 100% diện tích chuyển sang nuôi cá giống gồm các loại: Trắm, trôi, chép, rô phi… Sản phẩm của HTX được liên kết, tiêu thụ tại chợ đầu mối các tỉnh, TP như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn… Tổng doanh thu hằng năm của HTX đạt hơn 40 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động, thu nhập ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng…

Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện Hiệp Hòa cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển đa dạng và bền vững các mô hình HTX trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Ưu tiên hỗ trợ xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Rà soát, giải thể các HTX không còn hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả có nhu cầu giải thể. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các mô hình HTX kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết, góp phần tích cực phát triển KT-XH địa phương".

Bài, ảnh: Quốc Trường

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/hiep-hoa-phat-trien-kinh-te-hop-tac-san-xuat-theo-chuoi-de-tang-gia-tri-085117.bbg