Hiệp hội bất động sản: Có 2 kịch bản với thị trường bất động sản trong năm 2023
Kịch bản thứ nhất, sau Tết Quý Mão, Chính phủ sẽ có một số chính sách điều chỉnh, thị trường bất động sản sẽ dần ấm lên và ổn định đến cuối năm. Kịch bản hai là thị trường bất động sản năm 2023 vẫn còn khó khăn bởi dòng vốn chưa được khơi thông
Chia sẻ tại Diễn đàn bất động sản 2022 với chủ đề Proptech - Xu hướng tất yếu của thị trường do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 13-12, TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết trong 5 năm trở lại đây (2018 đến tháng 9-2022), nguồn cung có xu hướng giảm rõ rệt, chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn. Tổng nguồn cung căn hộ mới giai đoạn này là gần 300.000 sản phẩm.
Sau 2 năm đại dịch, tổng cung 9 tháng năm 2022 đạt 41.886 sản phẩm, tương đương 24% so với năm 2018. Tỷ lệ hấp thụ trong quý 3-2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ trung bình chỉ đạt 43%. Riêng quý 3 giảm mạnh so với quý 1 và 2, chỉ đạt 33,5%; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đính cũng dẫn chứng giá BĐS bị đẩy quá cao, không phù hợp nhu cầu người dân. Trong đó áp lực tăng giá đầu vào như vật liệu xây dựng, thiết bị, máy móc, nhân công, giá đất, chi phí vốn... và lạm phát tăng cao đã gây áp lực lên giá thành BĐS. Dù những tháng cuối năm 2022 giá có giảm, nhưng vẫn gấp nhiều lần so với thời điểm 2018. Việc cắt lỗ chỉ đúng với nhà đầu tư ngắn hạn.
Theo ông Đính, sẽ có 2 kịch bản xảy ra với thị trường BĐS trong năm 2023. Kịch bản thứ nhất, sau Tết Quý Mão, Chính phủ sẽ có một số chính sách điều chỉnh, thị trường sẽ dần ấm lên và ổn định đến cuối năm. Kịch bản 2 là thị trường BĐS năm 2023 vẫn còn khó khăn bởi dòng vốn chưa được khơi thông.
Ông Đính dự báo khả năng sẽ xảy ra theo kịch bản thứ nhất và để thích ứng, doanh nghiệp (DN) BĐS phải chủ động cơ cấu lại sản phẩm tại các dự án đang phát triển theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Chuyển đổi số được các DN lựa chọn, ứng dụng tích cực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp thị trường BĐS minh bạch, phát triển bền vững, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, để góp phần giúp cho thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, cần nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS gắn với yêu cầu của nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó có các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số.
Cùng với đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật Kinh doanh BĐS, trong đó hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về nhà ở, thông tin về các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hàng năm, chỉ số giá một số loại hình BĐS, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đất đai... để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận các nguồn thông tin công khai, minh bạch, đủ độ tin cậy về thị trường.
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết với Proptech, các DN có thể tiết kiệm 30% thời gian và tối đa hóa chi phí lợi nhuận; khách hàng chỉ cần vài cú nhấp chuột có thể mua nhà, mua đất trong chớp mắt.
Theo ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Meey Land, Proptech là việc sử dụng công nghệ vào việc mua, bán, cho thuê và quản lý trong lĩnh vực BĐS, với mục tiêu đáp ứng 3 yếu tố của thị trường: Thông tin, giao dịch, quản lý. Proptech cho phép tối giản hóa quy trình làm việc giữa người mua, người bán, người thuê, môi giới, cho vay hoặc chủ nhà.
"Mỗi người dân khi tiếp cận thông tin có thể biết giá nhà thế nào là hợp lý, tính pháp lý thế nào?... Khi ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, một căn nhà mua trước đây có thể kéo dài từ 3 - 6 tháng, thì nay chỉ cần 3 - 5 ngày. Một căn nhà cho thuê không phải là 3 - 5 tháng mà giảm xuống từ 3 - 5 giờ"- ông Chung nói.