Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng VN làm việc với Hội đồng Anh tại Việt Nam
Tại buổi làm việc, Hiệp hội đã đề xuất Hội đồng Anh hỗ trợ một số nội dung để Hiệp hội mở rộng và phát triển các hoạt động hợp tác.
Ngày 13/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có buổi làm việc với Hội đồng Anh (British Council) tại Việt Nam, thông qua đó, xác định các phương thức phát triển quan hệ đối tác trong lĩnh vực giáo dục đại học mà cả hai bên cùng quan tâm.
Lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chụp ảnh cùng đại diện Hội đồng Anh tại Việt Nam.
Tham dự chương trình, về phía Hội đồng Anh (British Council), có bà Donna McGowan - Giám đốc Quốc gia và bà Hoàng Vân Anh - Giám đốc Chương trình Giáo dục đại học và Kỹ năng, Hội đồng Anh tại Việt Nam.
Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có: Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội; Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga - Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Chia sẻ trong buổi làm việc, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ niềm vinh dự khi được đón tiếp các đại biểu đại diện Hội đồng Anh tại Việt Nam.
Đại diện phía Hội đồng Anh cũng gửi lời cảm ơn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tạo cơ hội để hai bên gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu cơ hội hợp tác.
Bà Donna McGowan cho biết, trong nhiều năm qua, Hội đồng Anh đã có nhiều hoạt động phối hợp với Hiệp hội nhằm thúc đẩy hợp tác về giáo dục đại học, về đào tạo tiếng Anh.
Bà Donna McGowan bày tỏ mong muốn có cơ hội tìm hiểu thêm, trao đổi một cách cởi mở để tìm hiểu những lĩnh vực mà hai bên nên tập trung sự hợp tác, để thúc đẩy các hoạt động hợp tác thêm sâu rộng.
“Những công việc cụ thể mà chúng tôi đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam là hợp tác với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (NFLP) và phối hợp trong công tác giảng dạy, học tập tiếng Anh cũng như đánh giá chất lượng.
Trong những năm tới, một trong những hoạt động trọng tâm của Hội đồng Anh là vấn đề nâng cao chất lượng, đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam cũng như thúc đẩy ký kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với các cơ sở giáo dục của Vương quốc Anh tại Việt Nam” - bà Donna McGowan cho biết thêm.
Bà Donna McGowan - Giám đốc Quốc gia, Hội đồng Anh tại Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga cũng mong muốn tăng cường sự hợp tác giữa hai bên, trong đó có các chuyến thăm và giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.
Bà Donna McGowan cho biết: “Trong tháng 11/2023, Hội đồng Anh đã tổ chức các hoạt động kết nối giữa các trường tại Việt Nam với các trường của Vương quốc Anh.
Đặc biệt, tháng 11/2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã cùng đoàn công tác của Bộ tham dự Hội nghị Giáo dục toàn cầu Going Global, dự Diễn đàn Hiệu trưởng Đại học Việt Nam - Anh về hợp tác viện/trường và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, và gặp song phương với Bộ Giáo dục và Bộ Thương mại quốc tế Anh tại thành phố Edinburgh (Scotland); thăm 4 trường đại học, trong đó tổ chức tọa đàm với 2 trường đại học hàng đầu của Anh là Đại học Hoàng gia London (ICL) và Đại học Cambridge; và tổ chức sự kiện giao lưu kết nối với Hội Trí thức Việt Nam tại Vương quốc Anh và Ireland. Đó cũng là các diễn đàn để các trường đại học của Việt Nam có thể tham dự...”.
Về các lĩnh vực hợp tác mà Hiệp hội đề xuất, bà Donna McGowan đánh giá, đều rất phù hợp với những gì mà Hội đồng Anh đang làm. “Chính vì thế, chúng tôi mong hai bên có thể trao đổi, để làm sao Hiệp hội có thể tham gia vào các hoạt động mà Hội đồng Anh đã và đang làm tại Việt Nam, với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với các cơ sở giáo dục đại học và các đơn vị khác”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng chia sẻ: “Có hai vấn đề lớn mà Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam muốn trao đổi với Hội đồng Anh, đã được Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga tổng hợp và trao đổi.
Tuy nhiên, hôm nay, chúng tôi muốn đề cập đến một số nội dung mà chúng ta có thể sớm thực hiện và có hiệu quả ngay. Sau đó, chúng ta sẽ từng bước mở rộng”.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Theo đó, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đề cập: “Thứ nhất, là các chính sách về phát triển giáo dục đại học của Việt Nam. Chúng tôi đã tiếp cận và học tập kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Anh, Hoa Kỳ, Úc, các nước Đông Nam Á... tuy nhiên, không thể áp dụng một cách máy móc vào thực tiễn Việt Nam. Hệ thống giáo dục của Việt Nam, hệ thống đào tạo nguồn nhân lực đang gặp một số vấn đề, dẫn đến kết quả cơ cấu nhân lực hiện nay chưa thật sự phù hợp.
Thứ hai, xu hướng trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Hệ thống các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam vốn hình thành từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, bây giờ phải thay đổi, tăng tính tự chủ tại các nhà trường, vẫn còn nhiều lúng túng.
Thứ ba, quản lý và kiểm soát chất lượng giáo dục đại học cho đảm bảo hiệu quả và chính xác.
Thứ tư, vấn đề xã hội hóa giáo dục, tức là huy động được các nguồn lực từ xã hội để phục vụ cho sự phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Hiện nay, các nhà trường vẫn đang “nặng” về huy động nguồn thu từ học phí”.
Trao đổi lại với những vấn đề Tiến sĩ Lê Viết Khuyến vừa đề cập, bà Donna McGowan cũng cho biết: “Trong quá trình làm việc trong dự án về bảo đảm chất lượng, Hội đồng Anh cũng đã có những hoạt động nâng cao năng lực, xây dựng các chương trình dựa vào chuẩn đầu ra, xây dựng các hướng dẫn và tiêu chuẩn về kiểm định và bảo đảm chất lượng. Chúng tôi cũng hy vọng, thông qua các hoạt động này, sẽ bổ trợ và tăng cường nâng cao chất lượng cho sinh viên khi tốt nghiệp. Chúng tôi cũng biết rằng, Việt Nam đang cần nguồn nhân lực có chất lượng để đáp ứng được các mong muốn phát triển, các kỳ vọng, tham vọng phát triển.
Thứ hai, tự chủ của các trường đại học cũng đi cùng các vấn đề về quản trị và đảm bảo chất lượng. Những năm qua, Hội đồng Anh đã hỗ trợ các trường đại học tại Việt Nam trong việc nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm. Thông qua các hoạt động kết nối giữa trường đại học với trường đại học, chúng tôi cũng hỗ trợ các trường đại học ở Việt Nam và Vương quốc Anh tìm giải pháp xây dựng mô hình đảm bảo sự xuất sắc trong nghiên cứu của các trường đại học, bởi Việt Nam cũng đã đạt được rất nhiều thành tích trong nghiên cứu. Việc này cũng góp phần tạo ra nguồn thu cho các trường đại học.
Như Tiến sĩ Khuyến đã trao đổi, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế cũng phải phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Các chuyên gia của Việt Nam và Vương quốc Anh cũng phải làm việc cùng nhau để xây dựng chương trình phù hợp với Việt Nam. Điều này rất đúng với tinh thần và vai trò của Hội đồng Anh, bởi chúng tôi không mang một mô hình “cứng” của Vương quốc Anh để áp dụng vào Việt Nam, mà chúng tôi tham gia hỗ trợ để xây dựng mô hình đó phù hợp nhất với yêu cầu và sự phát triển của Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng, tất cả các hoạt động của Hội đồng Anh đều sẽ có sự tham gia của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Chúng ta sẽ có thêm những buổi trao đổi sâu hơn về các vấn đề, để cụ thể hóa các lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác, cũng có thể chuyển thành một chương trình hành động cụ thể và phù hợp với những vấn đề ưu tiên của Hiệp hội”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đề nghị đại diện hai bên sẽ cùng soạn thảo những nội dung mà hai bên có thể cùng phối hợp thực hiện và có thể hoàn thành trong hai năm (2024-2025).
Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga - Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Hiệp hội cũng bày tỏ mong muốn Hội đồng Anh hỗ trợ để Hiệp hội kết nối với các hiệp hội đại học, cao đẳng của Vương Quốc Anh để phát triển các chương trình hợp tác và chia sẻ các thực hành tốt về chính sách giáo dục đại học và những tác động của chính sách đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia và thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga - Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục chia sẻ thêm một số nội dung đề xuất với Hội đồng Anh tại Việt Nam.
Ngoài ra, một số nội dung sau cũng được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất Hội đồng Anh hỗ trợ:
Hội đồng Anh cùng Hiệp hội triển khai các chương trình hợp tác để các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam mở rộng hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu của Vương quốc Anh về học thuật và nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, như:
Cơ sở lý luận và cơ sở khoa học của việc hoạch định chính sách kèm quyết định, biện pháp cụ thể nâng cao năng lực quản lý giáo dục đại học và số hóa việc quản trị đại học, phát triển các chương trình nâng cao năng lực chuyển đổi số.
Triển khai các chương trình phát triển chuyên môn nhằm cải thiện hệ thống giảng dạy và kiểm tra đánh giá, đặc biệt là giảng dạy và kiểm tra đánh giá tiếng Anh và phát triển các chương trình bồi dưỡng, phát triển chuyên môn.
Tạo cơ hội cho các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, giảng viên của Việt Nam và Vương quốc Anh thiết lập mối quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Phối hợp với Hiệp hội tổ chức đối thoại/hội thảo/diễn đàn chính sách định kỳ với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh và Việt Nam về các lĩnh vực/chủ đề hai bên cùng quan tâm để phát triển giáo dục đại học, đào tạo tiếng Anh, kiểm tra đánh giá, phát triển năng lực chuyển đổi số, đổi mới cơ chế quản trị của các cơ sở giáo dục đại học trong thời đại công nghệ số, phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục, phát triển năng lực truyền thông…
Đồng thời, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đề nghị Hội đồng Anh và Hiệp hội cùng phát triển các chương trình hợp tác để đồng kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Chia sẻ trong buổi làm việc, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng giới thiệu về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và cho biết đây là kênh thông tin đáng tin cậy, chuyên biệt, chuyên sâu về giáo dục, có lượng độc giả truy cập đông đảo.
Nhà báo Nguyễn Tiến Bình hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều buổi làm việc trực tiếp với Hội đồng Anh tại Việt Nam ở trụ sở Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, để có những hoạt động hợp tác, trong đó, Tạp chí có thể lan tỏa những chương trình, hoạt động liên quan đến giáo dục và đào tạo của Hội đồng Anh đến độc giả.
Thông qua buổi làm việc, Hiệp hội đã đề xuất Hội đồng Anh hỗ trợ một số nội dung nhằm tăng cường sự hợp tác, nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam trong thời gian tới.