Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam: Sớm kiến nghị Quốc hội điều chỉnh luật về giáo dục

Về đề xuất của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đưa quản lý Nhà nước hệ cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH có công văn nêu quan điểm không đồng tình.

Cao đẳng nghề đào tạo nguồn lao động trực tiếp sản xuất, nên chương trình có thể với tỉ lệ 30% học lý thuyết và 70% học thực hành là phù hợp. Ảnh minh họa

Cao đẳng nghề đào tạo nguồn lao động trực tiếp sản xuất, nên chương trình có thể với tỉ lệ 30% học lý thuyết và 70% học thực hành là phù hợp. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Hiệp hội khẳng định, thực trạng hiện nay dẫn đến hậu quả là nguồn nhân lực trong nước không được thế giới công nhận.

Hiệp hội cho rằng Bộ LĐ-TB&XH né tránh

Trước đó, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi đến các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề xuất chuyển vai trò quản lý Nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ LĐ-TB&XH về Bộ GD&ĐT. Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi Bộ Nội vụ thể hiện quan điểm về việc này.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, giữ ổn định hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay rất quan trọng để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Đề xuất đưa trình độ cao đẳng trở lại bậc giáo dục đại học, đưa quản lý Nhà nước trong đào tạo hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT là mong muốn hoàn thiện hệ thống giáo dục- đào tạo. Nhưng những kiến nghị này còn thiếu những cơ sở khoa học và thực tiễn, chưa đúng với chủ trương, định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp của Đảng, Nhà nước.

Về căn cứ khoa học, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bảng phân loại giáo dục quốc tế của UNESCO 2011 (International Standard Classfication of education – ISCED 2011) là một công cụ được thiết kế để phân loại, so sánh các chương trình giáo dục đào tạo khác nhau. Bảng này giúp đối chiếu, so sánh các chương trình giáo dục, các loại văn bằng và trình độ. Về cơ bản, các trình độ GNNN của Việt Nam hiện nay phù hợp với ISCED 2011.

Bậc cao đẳng của Việt Nam hiện nay tương đương với cấp bậc 5 của ISCED (2 - 3 năm), đầu vào trung học phổ thông. Đây là chương trình thuộc giáo dục trung học (tertiary education) nhưng không phải giáo dục đại học (higher education), chủ yếu định hướng nghề nghiệp để người học gia nhập thị trường lao động. Trong ISCED không có bất cứ điều khoản nào quy định bậc 5 (cao đẳng) thuộc về giáo dục đại học hay GDNN nhưng định hướng chương trình bậc 5 nghiêng về GDNN…

Về luận điểm này, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, công văn trả lời của Bộ LĐ-TB&XH không rõ ràng, cái cần trả lời thì lại né tránh. Đề xuất của Hiệp hội không trái với Hiến pháp và Nghị quyết 29 TW. Bởi Nghị quyết còn nói rõ phải thống nhất về đầu mối quản lý.

Theo Hiệp hội, trong công văn trả lời của Bộ LĐ-TB&XH nói rằng, hệ cao đẳng là cấp độ 5 theo tiêu chuẩn, đó là sau hệ trung học, nhưng không phải là hệ đại học. Còn theo công văn của Hiệp hội trước đó thì hệ này phải là cấp độ 4. Như vậy, chẳng phải là Bộ LĐ-TB&XH đang thừa nhận hiểu sai hệ cao đẳng và tự hạ xuống 1 bậc.

Hai sai lầm nghiêm trọng

Theo hiệp hội, từ khi chương trình cao đẳng nghề ra đời theo Luật Dạy nghề và được Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo thiết kế. Đặc biệt kể từ khi các trường cao đẳng (chuyên nghiệp) và cao đẳng nghề đều phải chuyển sang mô hình “cao đẳng mới hợp nhất” theo Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Từ đó công tác đào tạo, quản lý hệ cao đẳng của Việt Nam đã và đang phạm phải ít nhất hai sai lầm rất nghiêm trọng.

Thứ nhất, khi trình độ người lao động đa số chỉ cần đạt trung học nghề là đủ, do công nghiệp chế tạo còn chưa giữ vai trò chủ chốt trong nền kinh tế của đất nước. Nhưng nếu cơ quan quản lý lại nâng cấp ồ ạt các trường trung cấp nghề lên thành cao đẳng, trong khi chương trình vẫn không thay đổi đáng kể theo chuẩn sẽ dẫn tới tình trạng đào tạo “siêu tốc”. Ví dụ, như hình thức đào tạo đang được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông “tốt nghiệp trung học cơ sở, học 3 năm có bằng cao đẳng, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành”...

Đây là hiện tượng chạy đua theo hư danh để rồi tạo ra nguồn lực không tương xứng với trình độ đào tạo. Nó không phù hợp với thông lệ chung của thế giới. Hậu quả là nguồn nhân lực trong nước không được thế giới công nhận.

Thứ hai, thời gian qua có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa cao đẳng nghề với cao đẳng chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo. Cao đẳng nghề đào tạo nguồn lao động trực tiếp sản xuất, nên chương trình có thể với tỉ lệ 30% học lý thuyết và 70% học thực hành là phù hợp. Nhưng cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo ra các kỹ thuật viên thì đòi hỏi phải có tỉ lệ tương xứng giữa thời gian học lý thuyết và thực hành, chứ không phải giống như cao đẳng nghề.

“Theo thông lệ chung (cả Việt Nam và thế giới) thì giáo dục nghề đào tạo nhân lực trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tức là đào tạo thợ và nhân viên. Trong khi giáo dục chuyên nghiệp đào tạo chuyên gia các loại như kỹ thuật viên, cán sự, giáo viên, kỹ sư, chuyên viên, bác sĩ, luật sư...

Việc nhầm lẫn mục tiêu đào tạo dẫn tới quy định hợp nhất giữa giáo dục nghề với giáo dục chuyên nghiệp để thành “GDNN” theo kiểu “đào tạo nghề”. Hậu quả là thủ tiêu nguồn nhân lực “kỹ thuật viên”, xóa sổ đào tạo cao đẳng chuyên nghiệp. Từ đó làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực cần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…” - Hiệp hội cho biết.

Về công văn của Bộ LĐ-TB&XH, Hiệp hội cho rằng, nếu cứ dẫn luật ra thì sẽ không có đề xuất sửa lại luật. Từ những phân tích cụ thể, Hiệp hội mới có căn cứ để kiến nghị Quốc hội sớm điều chỉnh các Luật về giáo dục theo hướng đưa trình độ cao đẳng về trở lại bậc giáo dục đại học.

Cần phải đổi tên Luật GDNN thành Luật Giáo dục nghề với các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao cấp nghề. Đặc biệt, phải đưa quản lý Nhà nước hệ cao đẳng về chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục đại học. Tức là về lại Bộ GD&ĐT để nâng cao tính hiệu quả và không xảy ra xung đột như hiện nay.

“Bộ LĐ-TB&XH nói đã có quy định này, đã ban hành luật kia thì ai cũng biết, nhưng Hiệp hội đang đề xuất sửa. Còn nếu cho rằng đã có quy định trước đây rồi, nên không được đề xuất sửa thì quả là lý lẽ luẩn quẩn, không khoa học” - Hiệp hội nêu rõ.

Phía Hiệp hội cũng cho biết, trong thời gian sớm nhất, Hiệp hội sẽ có công văn để trao đổi lại thông tin khoa học về vấn đề này.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/hiep-hoi-cac-truong-dh-cd-viet-nam-som-kien-nghi-quoc-hoi-dieu-chinh-luat-ve-giao-duc-jnBSbkqGR.html