Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm đóng góp lớn vào thành tựu chung của Đà Nẵng

Trong thành tựu chung của thành phố Đà Nẵng liên quan đến công nghệ thông tin, nguồn nhân lực, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh…Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng (DSA) có đóng góp rất lớn, tổng doanh thu kinh doanh, sản xuất của các hội viên trong nhiệm kỳ 2017-2022 là 2.781 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp phần mềm đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của Đà Nẵng. Ảnh ANH ĐÀO

Các doanh nghiệp phần mềm đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của Đà Nẵng. Ảnh ANH ĐÀO

Ngày 30/9, Hiệp Hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng (DSA) tổ chức Đại hội nhiệm kỳ IV, khóa 2023-2028. DSA là tổ chức xã hội nghề nghiệp, được thành lập theo Quyết định số 9712/QĐ-UBND ngày 28/12/2009 của UBND thành phố Đà Nẵng.

Theo báo cáo, hiện Hiệp hội có 29 hội viên pháp nhân đại diện cho hơn 12.490 người lao động, bao gồm: doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin-truyền thông; tổ chức, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin, tư vấn và hợp tác nghiên cứu công nghệ thông tin-truyền thông; đơn vị sự nghiệp công lập. Tổng doanh thu kinh doanh, sản xuất của các hội viên trong nhiệm kỳ 2017-2022 là 2.781 tỷ đồng

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm Đà Nẵng đã có những đóng góp cho quá trình phát triển sản phẩm, công nghệ, đặc biệt đa dạng hóa các dịch vụ. Không chỉ có các ứng dụng phần mềm truyền thống mà còn bao gồm cả các sản phẩm phần mềm liên quan đến trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, Internet of Things (IoT), và blockchain; Đơn hàng gia công phần mềm; Kiểm thử phần mềm; Đào tạo và hướng dẫn; Bảo trì và hỗ trợ.

Ra mắt ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng khóa IV, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh ANH ĐÀO

Ra mắt ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng khóa IV, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh ANH ĐÀO

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng một số ngành công nghệ thông tin thuộc hiệp hội vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Giá trị tăng thêm toàn ngành ước tăng 5.24%; dịch vụ lập trình máy vi tính tăng 10,2%. Điều này cho thấy, ngành công nghiệp phần mềm thành phố Đà Nẵng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, trong góp phần giữ ổn định, duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế và cả an sinh xã hội.

Tính đến nay, có 3 tổ chức hội viên được kiểm định và công nhận chương trình, nội dung đào tạo đạt chuẩn Mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á; của Tổ chức Kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật, công nghệ Hoa Kỳ.

Nhiệm kỳ qua, các tổ chức hội viên thuộc khối đào tạo đã cung ứng cho thị trường lao động công nghiệp phần mềm, công nghiệp công nghệ thông tin hơn 17.500 nhân lực. Với tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp hằng năm, bình quân đạt hơn 95%, trong đó, các ngành Kỹ thuật phần mềm là 98%, ngành Hệ thống thông tin là 100%.

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn - Đại học Đà Nẵng trong Cuộc thi Sáng tạo RoboCar 2023. Ảnh ANH ĐÀO

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn - Đại học Đà Nẵng trong Cuộc thi Sáng tạo RoboCar 2023. Ảnh ANH ĐÀO

Ngoài ra, các tổ chức hội viên đã trao tặng hàng ngàn suất học bổng, miễn giảm học phí, khen thưởng cho học sinh, sinh viên với số tiền trên 71 tỷ đồng.

Thành phố Đà Nẵng có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ thông tin nói chung, doanh nghiệp phần mềm nói riêng như áp dụng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Hỗ trợ thủ tục đăng ký kinh doanh, Hỗ trợ xúc tiến thương mại quốc tế.

Đặc biệt, duy trì Ngày hội ICT Nhật Bản, Hàn Quốc, …tích cực cử các đoàn tham dự triển lãm công nghệ thông tin quốc tế, xúc tiến hợp tác với nhiều đối tác quốc tế, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin của Đà Nẵng.

Doanh nghiệp hội viên có thêm nhiều cơ hội hợp tác giao thương, mở rộng quan hệ và thị trường qua các kênh chính thức của thành phố.

Ngày hội DevDay do Công ty Axon Active Việt Nam và Trường Đại học Bách Khoa-Đại học Đà Nẵng tổ chức là dấu ấn hoạt động nổi bật của các thành viên Hiệp hội. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Ngày hội DevDay do Công ty Axon Active Việt Nam và Trường Đại học Bách Khoa-Đại học Đà Nẵng tổ chức là dấu ấn hoạt động nổi bật của các thành viên Hiệp hội. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Bên cạnh sản xuất, kinh doanh, hội viên khối doanh nghiệp có nhiều sản phẩm được công nhận, vinh danh với các giải thưởng chuyên môn, giải thưởng quốc gia và quốc tế. Tiêu biểu như Công ty TNHH Green Global đạt giải "Vietnam Digital Awards 2020, 2021" và "Top 10 Product Make in Vietnam 2022" với sản phẩm Kho dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu mở; Công ty CP Unitech với sản phẩm Phần mềm cơ sở dữ liệu cấp huyện; Phần mềm số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính Đà Nẵng…

Hiệp Hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng đóng góp thiết thực vào các giải thưởng, danh hiệu mà thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều năm qua. Cụ thể như là địa phương có 12 năm liên tiếp (2009-2021) năm liền dẫn đầu bảng xếp hạng ICT Index; Thành phố thông minh xuất sắc nhất Việt Nam năm 2022; TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards năm 2022 và 2023; thành phố Đà Nẵng có 2 lần liên tiếp là 1 trong 6 (2022), là 1 trong 7 (năm 2023) địa phương đã có “những thành công tiêu biểu trong tổ chức, chủ động triển khai chủ trương cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia”.

Theo Hiệp Hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, hiện nay hoạt động của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn nhân lực, thiếu chuyên môn sâu, thiếu kỹ năng cần thiết, và nguồn nhân lực công nghệ thông tin vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp số, lao động yếu, thiếu kỹ năng mềm…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hiep-hoi-doanh-nghiep-phan-mem-dong-gop-lon-vao-thanh-tuu-chung-cua-da-nang-post775292.html