Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030: Lan tỏa sáng tạo - kết nối nguồn lực - phát triển bền vững
Chiều ngày 11/7/2025, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam (PTCNVH) đã tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và chính thức ra mắt trong niềm kỳ vọng của giới chuyên môn và cộng đồng làm văn hóa - sáng tạo cả nước. NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội.
Hiệp hội được thành lập theo Quyết định số 541/QĐ-BNV ngày 30/5/2025 của Bộ Nội vụ. Đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc, quy tụ các cá nhân và tổ chức đang hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo, công nghệ, giáo dục, truyền thông, doanh nghiệp và đầu tư.

Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: Ngô Đức Hành
Phát triển công nghiệp văn hóa - yêu cầu khách quan và xu hướng tất yếu
Công nghiệp văn hóa (CNVH) hiện đang trở thành một hướng đi mới, năng động trong quá trình phát triển kinh tế tri thức, tạo dựng “sức mạnh mềm” của quốc gia. Theo số liệu của ngành Văn hóa, cả nước hiện có khoảng 70.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, sử dụng trên 3 triệu lao động, đóng góp khoảng 7% GDP. Nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM đã sớm ban hành các chính sách riêng nhằm thúc đẩy ngành phát triển.
Phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là yêu cầu nội tại trong quá trình hội nhập và hiện đại hóa, mà còn là chiến lược lâu dài nhằm biến văn hóa thành nguồn lực nội sinh, yếu tố thúc đẩy phát triển bền vững. Văn hóa không chỉ giữ vai trò trong giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống mà còn thực hiện chức năng kinh tế, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng, lan tỏa hình ảnh quốc gia ra thế giới.
Chủ trương này đã được Đảng xác định rõ trong nhiều văn kiện, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) và gần đây là Văn kiện Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.”

Đại diện Bộ Nội vụ trao Quyết định thành lập cho Hiệp hội. Ảnh: Ngô Đức Hành
Hiệp hội - cầu nối liên ngành cho một hệ sinh thái sáng tạo
Tham dự Đại hội có đông đảo đại biểu đến từ các cơ quan trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, nghệ sĩ, tổ chức quốc tế và giới làm nghề. Đại hội ghi nhận sự có mặt của 102/141 đại biểu được mời - thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với sự ra đời của một tổ chức chuyên trách trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Phát biểu tại Đại hội, NSND Vương Duy Biên khẳng định: “Cốt lõi của công nghiệp văn hóa là sáng tạo. Dù công nghệ có phát triển đến đâu, nếu thiếu sáng tạo - nếu không có những bộ óc đột phá, những tác phẩm chất lượng - thì không thể hình thành một nền công nghiệp văn hóa đích thực.” Ông nhấn mạnh “Sáng tạo - Bản sắc - Lan tỏa” sẽ là mục tiêu hành động xuyên suốt của Hiệp hội.
Hiệp hội định vị mình là đầu mối quốc gia trong phát triển CNVH một cách chuyên nghiệp, hội nhập và bền vững. Tôn chỉ hoạt động được xác định rõ: Kết nối nguồn lực - Xúc tiến chính sách - Phát triển thị trường - Thúc đẩy sáng tạo.

NSND Vương Duy Biên, Chủ tịch Hiệp hội phát biểu. Ảnh: Ngô Đức Hành
Cởi mở cơ chế - mở rộng không gian sáng tạo
Tại Đại hội, nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn chỉ ra những rào cản đang tồn tại trong phát triển CNVH tại Việt Nam, đặc biệt là thủ tục pháp lý, hành chính còn rườm rà, dễ khiến các cơ hội hợp tác và giao lưu văn hóa quốc tế bị bỏ lỡ. Các đại biểu kỳ vọng Hiệp hội sẽ là cầu nối hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, góp phần cải thiện môi trường thể chế, tạo điều kiện để văn hóa Việt hội nhập sâu rộng và hiệu quả hơn.
Hiệp hội cũng xác định rõ các nhiệm vụ chiến lược, gồm: Kết nối các thành phần trong hệ sinh thái công nghiệp văn hóa; Đề xuất chính sách và cơ chế hỗ trợ phù hợp; Xúc tiến thương mại và phát triển thị trường văn hóa; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; Góp phần định vị hình ảnh văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Việc ra đời Hiệp hội PTCNVH Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá là bước đi chiến lược, đúng thời điểm, góp phần khẳng định vai trò của văn hóa như một ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai gần. Đồng thời, đây cũng là cú hích quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo - một phần không thể thiếu trong cấu trúc phát triển bền vững của quốc gia.

Ban Thường vụ Hiệp hội ra mắt. Ảnh: Ngô Đức Hành
Đại hội thành công, củng cố tổ chức – định hình sứ mệnh
Tại Đại hội, các đại biểu đã thống nhất thông qua Điều lệ hoạt động và bầu ra Ban Chấp hành gồm 46 ủy viên, Ban Thường vụ gồm 18 thành viên, Ban Kiểm tra gồm 3 người. NSND Vương Duy Biên được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Với đội ngũ lãnh đạo có tâm, có tầm và sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp, nghệ sĩ và các nhà hoạch định chính sách, Hiệp hội PTCNVH Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành lực lượng tiên phong trong việc chuyển hóa văn hóa thành một ngành kinh tế có sức cạnh tranh quốc tế, lan tỏa giá trị Việt và đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của đất nước.