Hiệp hội taxi và Grab lại 'đại chiến' chuyện 'đeo mào'
Chỉ ít ngày sau khi Grab gửi văn bản đóng góp ý kiến cho nội dung dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô của Bộ GTVT, Hiệp hội Taxi TPHCM đã kịch liệt phản pháo với lời lẽ nặng nề. Trong đó, chuyện 'gắn hộp đèn' bao lâu nay vẫn là điều bức xúc.
Hiệp hội Taxi TPHCM: Luận điểm của Grab trái pháp luật
Trái ngược với góp ý của Grab, đại diện Hiệp hội Taxi TPHCM, Chủ tịch Tạ Long Hỷ, khẳng định dự thảo lần này đã kết hợp được khá đầy đủ nội dung các góp ý và tư vấn của các bộ, ngành có liên quan, của các hiệp hội vận tải, hiệp hội taxi v.v. nên các khái nhiệm và quy định trong dự thảo khá đầy đủ và sát thực, có tính công bằng cao, tạo được khung pháp lý và hành lang pháp lý để các loại hình kinh doanh vận tải có cơ hội cạnh tranh lành mạnh – cùng tồn tại, cùng phát triển, cùng có cơ hội để thực thi đầy đủ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với địa phương và đất nước.
Nhận định về văn bản Grab góp ý vài ngày trước, Hiệp hội Taxi TPHCM cho rằng nội dung này nêu ý kiến và luận điểm trái thực tế, trái pháp luật, theo hướng muốn hạ thấp vai trò quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực vận tải; Muốn gõ bỏ các điều kiện kinh doanh để dễ dàng lách luật, né tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông,v.v. né tránh nghĩa vụ xã hội với người lao động và giảm nghĩa vụ thuế với Nhà nước (trong khi đây là lĩnh vực liên quan đến tính mạng con người – thậm chí là tính mạng nhiều người).
“Không những thế, việc này sẽ phá vỡ cơ cấu vận tải và vô hiệu hóa quyền quản lý đại bàn của chính quyền địa phương, góp phần gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, thậm chí đang trong chiều hướng ngày càng khó kiểm soát”, đại diện Hiệp hội Taxi TPHCM khẳng định.
Ngoài ra, “chúng tôi cũng lấy làm lạ và khó hiểu: Vì sao Grab luôn tự cho mình là đơn vị cung cấp phần mềm, chỉ giữ vai trò kết nối nhưng lại luôn tranh cãi, đấu tranh về các điều kiện kinh doanh vận tải, về các công đoạn của quy trình kinh doanh vận tải vốn thuộc chức năng của đơn vị kinh doanh vận tải”, ông Tạ Long Hy đặt vấn đề.
“Kéo co” chuyện hộp đèn
Về vấn đề gắn hộp đèn trên các phương tiện bao lâu nay vẫn gây bức xúc cho cả 2 phía trong cuộc “đại chiến” taxi, Hiệp hội Taxi TPHCM dẫn chứng, thực tế hầu hết các bộ ngành trong đó có Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng gần 4 năm thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ GTVT đã có đủ cơ sở để khẳng định loại hình kinh doanh mà Grab đang điều hành chính là taxi và phải quản lý như taxi. Trong bản án của Tòa án nhân dân TPHCM tuyên ngày 28/12/2018 cũng khẳng định bản chất kinh doanh của Grab là vận tải. Vì vậy, đại diện Hiệp hội Taxi TPHCM đề nghị đối với loại hình vận tải có bản chất giống nhau thì cần có điều kiện kinh doanh giống nhau.
“Và chính hộp đèn là dấu hiệu cơ bản để nhận diện một phương tiện có chức năng vận chuyển khách với các phương tiện khác”, ông Hỷ nói.
Theo ông Hỷ, việc này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các lực lượng như thanh tra giao thông cảnh sát giao thông kể cả cho những người tham gia giao thông nhất là khi xảy ra tai nạn giao thông. Ngoài ra, hộp đèn còn có ý nghĩa về sự minh bạch văn minh trong kinh doanh vận tải hành khách.
Đả phá luận điểm của Grab cho rằng hộp đèn chỉ dành cho các xe có khách vẫy trên đường, ông Hỷ cho rằng nhận định này không chuẩn xác: “Cần hiểu rằng xe kinh doanh có bản chất giống nhau thì điều kiện kinh doanh giống nhau còn các thông tin về lái xe về xe số điện thoại liên lạc điểm đi điểm đến tiền cước, v.v. thì cả xe taxi cũng quy định phải thực hiện và thể hiện qua hóa đơn gửi cho khách. Các hãng taxi đã và đang sử dụng phần mềm giống Grab hiện nay cũng phải có đèn nóc, vì vậy không có lý do gì sai chạy Grab lại không (?)”.
Trước đó, ngày 10/4, Grab gửi góp ý đối với dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP) của Bộ Giao thông vận tải.
Đại diện Grab khẳng định, mục tiêu của quy định về hộp đèn trên nóc xe là nhằm phục vụ cho việc nhận diện xe của khách hàng khi có nhu cầu đón, vẫy xe taxi trên đường. Do đó, việc áp dụng quy định gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng và xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử là không cần thiết.
Grab cho rằng, nếu nhằm mục đích nhận diện xe kinh doanh cho cơ quan chức năng, thì tất cả các phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu “XE TAXI” hoặc “XE HỢP ĐỒNG” trên kính trước của xe như quy định pháp luật.
"Nếu nhằm mục đích nhận diện xe cho hành khách thì cũng không cần thiết, vì thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc của lái xe đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng để nhận biết xe được kết nối. Bên cạnh đó, các xe này cũng không phục vụ, đón khách vãng lai trên đường như đối với loại xe taxi bằng hình thức vẫy", ông Lim Yen Hock -- Giám đốc Công ty TNHH Grab khẳng định.
Ngoài ra, trao đổi với PV, đại diện Grab cũng cho rằng việc này làm tăng chi phí kinh doanh cho đơn vị kinh doanh vận tải. Vì thế, Grab đề xuất bỏ yêu cầu bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe.
Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/hiep-hoi-taxi-va-grab-lai-dai-chien-chuyen-deo-mao-350889.html