Hiệp hội Thương mại điện tử góp ý điểm bất cập trong dự thảo về quản lý sàn trực tuyến
Hiệp hội Thương mại Điện tử (Vecom) cho rằng dự thảo nội dung quản lý hoạt động của sàn thương mại điện tử đang được Bộ Tài Chính đưa ra còn nhiều bất cập.
Một sàn thương mại điện tử đang giới thiệu với khách hàng. Ảnh minh họa: Vân Ly
Thông tin từ Hiệp hội Thương mại Điện tử ngày 29-3 cho biết, hiệp hội này vừa có công văn gửi Bộ Tài Chính về việc góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Nghị định 123/2020/NĐ-CP về quả lý hoạt động sàn thương mại điện tử sau khi bộ này đã lấy ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân.
Cụ thể, Khoản 2, điều 1 của dự thảo yêu cầu “Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) có phát sinh bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn”, Vecom cho rằng như vậy có thể dẫn đến mâu thuẫn với một số quy định hiện hành như sau:
Theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định về hoạt động thương mại điện tử thì “thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.”
Do đó, các sàn thương mại điện tử không thuộc đối tượng là tổ chức, cá nhân trả thu nhập được nêu tại các điều 11, 12, 15, 16, 17 của Luật Thuế Thu nhập Cá nhân. Theo đó, các tổ chức, cá nhân trả thu nhập gồm: tổ chức, cá nhân chi trả tiền lương, tiền công; tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập từ đầu tư vốn; tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập do trúng thưởng; tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập từ tiền bản quyền; tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập từ hoạt động nhượng quyền thương mại.
Trong khi đó, theo Điều 24 Luật Thuế Thu nhập Cá nhân, tổ chức, cá nhân trả thu nhập và bản thân người nộp thuế là các bên phải chịu trách nhiệm đối với việc kê khai, khấu trừ và nộp thuế thu nhập cá nhân. Do vậy, việc yêu cầu sàn thương mại điện tử kê khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân sẽ dẫn đến mâu thuẫn với Luật Thuế Thu nhập Cá nhân.
Ngoài ra, khoản 7 điều 37, Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng quy định người bán trên sàn thương mại điện tử có nghĩa vụ “Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”. Do vậy, việc chuyển trách nhiệm kê khai, nộp thuế của người bán và trách nhiệm thu thuế của cơ quan thuế cho các sàn thương mại điện tử vừa tạo thêm gánh nặng cho các sàn thương mại điện tử vừa mâu thuẫn với các quy định hiện hành về trách nhiệm kê khai, nộp thuế.
Hiệp hội Thương mại Điện tử đề nghị Bộ Tài Chính bỏ quy định tại khoản 2, Điều 1 của dự thảo và thay thế bằng việc quy định kê khai thay, nộp thuế thay trên cơ sở ủy quyền theo quy định pháp luật dân sự.
Khoản 7, điều 1 của dự thảo văn bản trên quy định tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn (nếu chủ sở hữu sàn không thực hiện kê khai thay, nộp thay thuế cho người bán).
Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hàng quí chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quí sau. Tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có thể cung cấp thông tin bằng phương thức điện tử theo quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế hoặc kết nối trực tiếp với cơ quan thuế nếu đáp ứng được các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật theo định dạng chuẩn dữ liệu do Tổng cục Thuế xây dựng và công bố.
Hiệp hội Thương mại Điện tử cho biết, tại các kiến nghị trước đây khi đóng góp ý kiến cho Thông tư 40/TT-BTC, hiệp hội này và các hội viên tiếp tục bày tỏ lo ngại với quy định yêu cầu các sàn thương mại điện tử cung cấp các thông tin nhạy cảm của khách hàng (thông tin cá nhân, thông tin định danh và doanh thu của cả tổ chức và cá nhân kinh doanh trên sàn theo định kỳ hàng quý.
Hiệp hội Thương mại Điện tử cho rằng, đây là một yêu cầu chưa có tiền lệ, có thể mâu thuẫn với các quy định pháp luật hiện hành về bảo mật thông tin khách hàng (Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).
Quy định này cũng sẽ tạo gánh nặng tuân thủ cũng như rủi ro rất lớn cho các sàn thương mại điện tử trong trường hợp dữ liệu của khách hàng bị lộ lọt. Bởi vì dữ liệu mà Tổng Cục Thuế muốn các sàn thương mại điện tử cung cấp là tài sản và là bí mật kinh doanh của các sàn và khách hàng của họ.
Do vậy, Hiệp hội Thương mại Điện tử đề nghị Bộ Tài Chính và ban soạn thảo cân nhắc và làm rõ các biện pháp bảo mật thông tin và cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh. Trong trường hợp lộ lọt dữ liệu có thể xảy ra từ phía cơ quan nhà nước, gây tổn thất cho doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Thêm nữa Hiệp hội Thương mại Điện tử cho rằng ngôn ngữ tại khoản 7, điều 1 của dự thảo còn chưa rõ ràng, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau và có thể dẫn đến tình trạng gánh nặng tuân thủ tăng gấp đôi đối với một số sàn thương mại điện tử.
Do vậy, Hiệp hội Thương mại Điện tử đề nghị ban soạn thảo làm rõ việc cung cấp thông tin chỉ áp dụng với các sàn thương mại điện tử không thực hiện kê khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn. Bên cạnh đó cần làm rõ, cơ sở và cách tính doanh thu.
Vân Ly