Hiệp ước phòng thủ Mỹ - Israel: Lợi bất cập hại
Hiệp ước tưởng chừng có thể giúp ông Benjamin Netanyahu giành chiến thắng trong bầu cử và cải thiện vị thế quốc gia hóa ra lại chẳng mang nhiều lợi ích đến vậy. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vui mừng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel ngày 25/3/2019. (Nguồn: Getty Images)
Ngày 14/9, chỉ hai ngày trước bầu cử tại Israel, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Twitter cho biết đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về khả năng ký kết một hiệp ước quốc phòng chung nhằm củng cố liên minh giữa hai nước. Ông chủ Nhà Trắng cũng hy vọng có thể tiếp tục thảo luận sau cuộc bầu cử, khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 17/9. Vậy thực hư của động thái này như thế nào?
Lời chúc phúc muộn…
Đầu tiên, lời hứa cuối cùng của ông Netanyahu trong chiến dịch tranh cử, bên cạnh cam kết chiếm quyền kiểm soát Thung lũng Jordan và Bờ Tây, tiến hành chiến tranh quyết liệt chống Hamas, chính là thương thảo về hiệp ước quốc phòng chung Mỹ - Israel. Do đó, không quá ngạc nhiên khi hành động của ông Trump là “lời chúc phúc”, giúp ông Netanyahu cải thiện vị thế bất lợi của mình và đảng Likud trước Tướng Benny Gantz của đảng Trắng & Xanh.
Thứ hai, ông Netanyahu cam kết sẽ thúc đẩy hiệp ước này sau bầu cử, đảm bảo an ninh của Israel “cho các thế hệ sau”. Ông cho rằng đây là bước đi mang tính lịch sử, bởi nó “đóng góp một bộ phận quan trọng khác trong chiến lược chống lại kẻ thù của chúng ta, bên cạnh việc duy trì lực lượng với năng lực hành động một cách tự do, không bị hạn chế”. Thủ tướng Netanyahu trấn an người dân rằng hiệp ước sẽ không “trói tay” Israel như nhiều người lo ngại.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một câu chuyện khác. Những lần tranh cử trước, sách lược khôn khéo, đánh vào tâm lý sợ hãi của người dân đã phát huy tác dụng, nhưng giờ đây thì không. Tuyên bố sẽ thúc đẩy hiệp ước quốc phòng “lịch sử” với đồng minh truyền thống cũng không thể giúp ông Netanyahu giành đủ số phiếu. Thậm chí, đảng Likud của ông còn mất 7 ghế và chỉ còn 31 ghế trong Knesset, thấp hơn 1 ghế so với đảng Trắng & Xanh của cựu Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Israel (IDF), Tướng Benny Gantz. Cơ hội thành lập Chính phủ của ông giờ đây chỉ trông chờ vào khả năng liên minh với đảng Yisrael Beiteinu của cựu Ngoại trưởng Avigdor Lieberman, người vẫn đang cân nhắc quyết định cuối cùng.
Thất bại của ông Netanyahu cho thấy sự thay đổi trong tâm lý người dân Israel. Đối với họ, chủ động tấn công phủ đầu, sáp nhập lãnh thổ không còn cần thiết để đảm bảo an ninh và các biện pháp chính trị, ngoại giao mới là thứ cần được triển khai nhằm đạt được hòa bình về lâu dài.
Tiềm tàng hiểm họa
Quan trọng hơn, giới chuyên gia cho rằng hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ là một ý tưởng lạc hậu, không thực tế và có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Israel.
Thứ nhất, trong bối cảnh hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Israel đang nồng ấm, một hiệp ước quốc phòng chính thức sẽ không mang lại nhiều lợi ích. Ngay cả khi Israel rơi vào một xung đột quân sự lớn, người Mỹ chắc chắn sẽ xuất hiện, cung cấp khí tài như mọi cuộc chiến từng diễn ra trong lịch sử đất nước Do Thái.
Thứ hai, một hiệp ước quốc phòng chung sẽ hạn chế sự tự do của Israel trong việc triển khai các chiến dịch quân sự và buộc Tel Aviv tham gia những cuộc chiến không hề mong muốn. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Ya’alon khẳng định nếu Mỹ và Israel ký kết một hiệp ước như vậy trước tháng 7/1981, IDF thậm chí sẽ không thể tấn công tiêu diệt lò phản ứng hạt nhân của Iraq, bởi ý tưởng này trước đó bị cựu Tổng thống Mỹ George H. W. Bush phản đối quyết liệt.
Ngày nay, điều này đồng nghĩa rằng Israel sẽ buộc phải tham khảo ý kiến của Mỹ trước khi tiến hành các chiến dịch công kích tại Syria, Lebanon hay Iraq và Washington hoàn toàn có quyền phủ quyết nếu thấy tổn hại tới lợi ích chiến lược. Việc Israel tấn công các cơ sở có sự hiện diện của Iran tại Iraq hồi tháng 8/2019 đã không được Mỹ chào đón. Washington tuyên bố sẽ chống lại “mọi hành động tiềm tàng của các thế lực bên ngoài kích động bạo lực ở Iraq”. Đây là ví dụ cho thấy bất chấp tình thân như thủ túc, lợi ích của nước Mỹ không phải song trùng với Israel.
Thứ ba, ký kết một hiệp ước quốc phòng chung cần có sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ và hiện chưa rõ ông Trump có thể xây dựng một văn bản thỏa mãn các Nghị sỹ Mỹ hay không. Đáng ngại hơn, những chính trị gia ủng hộ nhiệt thành nhất của hiệp ước quốc phòng chung như Thượng Nghị sỹ Lindsey Graham lại thiên về phương án Hai nhà nước, điều Israel không hề mong muốn.
Thứ tư, lịch sử cho thấy đề xuất thiết lập hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ đã xuất hiện nhiều lần trong chiều dài lịch sử của Israel, song chưa bao giờ nhận được sự ủng hộ cần thiết. Những năm 1950, Thủ tướng Israel khi đó là David Ben-Gurion đã phải cân nhắc liệu có nên đưa IDF tham chiến cùng Quân đội Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên hay không. Cuối cùng, nhà lãnh đạo nổi tiếng người Do Thái đã có một quyết định thú vị khi quyết định gửi… nước cam vắt “sản xuât tại Israel” để hỗ trợ lính Mỹ tham chiến. Theo cựu Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Oren, đạo Zion từng nói rằng người Do Thái quay trở lại quê hương để bảo vệ bản thân khỏi kẻ thù và chẳng có lý do gì để Tel Aviv gửi “nguồn sống” của họ ra chỗ khác.
Đáng chú ý, bản thân ông Netanyahu trong quá khứ đã nhiều lần phủ nhận đề xuất thành lập hiệp ước phòng thủ chung. Trong nhiệm kỳ đầu tiên vào cuối những năm 1990, ông từng hai lần từ chối ý tưởng nêu bởi Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Sau đó, Ngoại trưởng Hillary Clinton năm 2009 cũng đề xuất mở rộng “ô hạt nhân” tới Israel, song ông Netanyahu kiên quyết bác bỏ, cho rằng nó “tạo ra ấn tượng rằng Israel không thể tự bảo vệ mình và gửi thông điệp xấu tới kẻ thù.”
Tương tự, đối thủ của ông, Tướng Benny Gantz, cũng chỉ trích hiệp ước phòng thủ chung, cho rằng sẽ kiềm chế khả năng bảo vệ an ninh quốc gia. Quyết định làm nên “điều lịch sử” hay noi gương những người tiền nhiệm sẽ định hình di sản chính trị của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Minh Quân
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hiep-uoc-phong-thu-my-israel-loi-bat-cap-hai-101370.html