Hiểu biết sai lầm khi nuôi con trẻ khiến bố mẹ đau lòng vì con phải trả giá (P3)
Cháu bé hồi tỉnh nhưng bà nội được một phen hú vía, mãi chẳng thể quên.
Mới đây một bệnh viện ở Trung Quốc đã tiếp nhận một bé gái trong tình trạng mắt mũi tím tái. Sau khi được các bác sĩ hồi sức cấp cứu, bé gái 10 tháng tuổi hồi tỉnh trở lại. Câu chuyện của bé và cách chăm sóc của bà đã khiến nhiều phụ huynh giật mình.
Là một bé gái bụ bẫm và hay cười, bé được cả nhà cưng chiều. Bà nội rất yêu bé và thường xuyên cưng nựng, muốn làm cho bé cười. Tiếng cười của bé làm bà thích thú.
Một chiều, sau khi cho bé ăn bột xong, thấy bé bò khắp nhà, bà nội như thường lệ lại vào cưng nựng cháu. Bà bế cháu lên mà trêu đùa, cù léc, làm mọi cách cho cháu cười. Bé cười khanh khách, cười vang khắp nhà. Bé càng cười, bà càng thích thú và muốn làm cháu cười nhiều hơn.
Cứ thế được một lúc cháu cười không ngớt thì bà nội bỗng sợ hãi khi thấy cháu ngưng lại, mắt trợn lên và mặt mũi xanh xao. Bà nội ngay lập tức gọi người trợ giúp và đưa cháu vào bệnh viện. Mọi chuyện diễn ra thuận lợi sau đó. Cháu bé hồi tỉnh nhưng bà nội được một phen hú vía, mãi chẳng thể quên.
Người lớn nghĩ rằng cù lét sẽ giúp trẻ cười và vui vẻ, phấn khích nhưng các nhà nghiên cứu từ Đại học California từ lâu đã chỉ ra rằng, cù lét không mang đến cảm giác hạnh phúc, thích thú như những trò đùa khác. Cù lét thực chất chỉ gây ảo giác về một tiếng cười vui vẻ. Trẻ bị cù lét sẽ cười một cách không thể kiểm soát được. Dù rõ ràng hầu hết chúng ta đều bật cười nắc nẻ khi bị cù lét nhưng vấn đề là trẻ vẫn phải cười dù không thích trò đùa này.
Ngoài ra nguy hiểm hơn, khi bị cù léc khiến bé cười liên tục, bé gần như quên mất việc thở, gây nên tình trạng thiếu oxy lên não. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến những tổn thương đáng tiếc cho não bộ của trẻ.
Theo Tiến sĩ Alexander, chuyên gia chăm sóc sức khỏe trẻ em thì cù lét khi người nào đó không thích, không sẵn sàng sẽ gây ra "nỗi đau tinh thần lớn lao". Đôi khi, nỗi đau ấy có thể âm ỉ suốt cả đời.
Patty Wipfler, chuyên gia nuôi dạy con và là người sáng lập kiêm giám đốc tổ chức Hand in Hand (tạm dịch: "Tay trong tay"), cho biết từ trải nghiệm của bản thân, cô nhận thấy cù lét hồi còn nhỏ là nguyên nhân phổ biến của những thử thách về cảm xúc, thậm chí ở cả người lớn.
Phương Nghi (t/h)