Hiểu để không vi phạm

Trên mạng xã hội facebook thời gian gần đây có những tài khoản quảng cáo rao bán, trao đổi tiền giả với các mệnh giá khác nhau. Nhiều người vì thiếu hiểu biết đã ấn vào yêu thích hoặc chia sẻ làm cho thông tin vi phạm pháp luật này được nhân rộng trên mạng xã hội.

Theo luật sư Nguyễn Hương Quê (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên), làm tiền giả, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật hiện hành đã quy định đầy đủ và có chế tài nghiêm khắc về hành vi mua bán tiền giả. Cụ thể, Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định: Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả là một trong các hành vi bị cấm.

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tại Điều 207 như sau: “(1) Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3-7 năm. (2) Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5-12 năm. (3) Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân. (4) Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm. (5) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 và điểm d, e khoản 1 Điều 18 của Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) thì rao bán tiền giả trên internet là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Do vậy, mỗi người khi tham gia mạng xã hội cần hiểu đúng để không tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.

LỆ VĂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/228965/hieu-de-khong-vi-pham.html