Hiểu để thêm yêu quê hương, đất nước

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, cuộc thi trực tuyến 'Tìm hiểu 1010 năm Thăng Long - Hà Nội' sau hơn một tháng phát động đã nhận được hơn hai trăm nghìn bài dự thi. Điều này không chỉ cho thấy sức hút của một sự kiện giàu tính giáo dục, mà còn thể hiện sự quan tâm của đông đảo nhân dân trước cơ hội bồi đắp kiến thức lịch sử, truyền thống của mảnh đất ngàn năm văn hiến, để hiểu, để thêm yêu quê hương, đất nước.

Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu 1010 năm Thăng Long - Hà Nội” là dịp để người dân bồi dưỡng kiến thức sâu hơn về Thăng Long - Hà Nội. Trong ảnh: Các em học sinh tham quan Di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Đỗ Tâm

Vun đắp, lan tỏa tình yêu Thủ đô

Được phát động từ đầu tháng 9-2020, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu 1010 năm Thăng Long - Hà Nội” là nơi thể hiện kiến thức về văn hóa cho mọi công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội; khích lệ ham muốn học hỏi, tìm hiểu sâu về truyền thống lâu đời, thành tựu trên mọi lĩnh vực của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, qua đó vun đắp, lan tỏa tình yêu, tinh thần trách nhiệm trong xây dựng Thủ đô. Ngay sau khi phát động, cuộc thi nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, với hàng nghìn bài dự thi được gửi về hệ thống thông tin trực tuyến mỗi ngày.

Là một trong những người đầu tiên đến với cuộc thi, ông Đoàn Khả Đỉnh, cán bộ hưu trí, cư trú tại phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Cuộc thi thực sự bổ ích khi nhắc nhớ những giá trị truyền thống, văn hóa tiêu biểu, nổi bật của Kinh đô Thăng Long - Thủ đô Hà Nội suốt chiều dài lịch sử. Đây là cơ hội cho chúng ta bao quát lại hành trình hình thành, bảo vệ và phát triển của mảnh đất ngàn năm văn hiến, với biết bao công lao, xương máu của lớp người đi trước, giúp chúng ta thêm hiểu biết, thêm tự hào với những gì mình đang có hôm nay”.

Hưởng ứng cuộc thi này, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Trương Thu Phương bày tỏ, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu 1010 năm Thăng Long - Hà Nội” có hệ thống câu hỏi về nhiều nội dung, từ dấu ấn lịch sử đến di sản văn hóa lâu đời của Thủ đô, là dịp để các sinh viên bồi dưỡng kiến thức sâu hơn về Thăng Long - Hà Nội, qua những địa danh, nhân vật... như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, các vị tổng đốc, Thăng Long tứ trấn, “đất hai vua” Đường Lâm...

Tham gia cuộc thi từ sự giới thiệu của đồng nghiệp, chị Nguyễn Thanh Tú (Ngân hàng Sacombank - Chi nhánh Thăng Long, 60A Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa) cho biết: “Lúc đầu tôi dự thi vì tò mò, muốn biết trả lời được bao nhiêu câu hỏi, nhưng càng về sau, càng thấy cuốn hút hơn. Cuộc thi không chỉ gợi mở kiến thức, mà còn khích lệ mỗi người đi sâu tìm hiểu những dấu tích ngàn năm của Kinh đô Thăng Long - Thủ đô Hà Nội. Vì thế, tôi đã động viên người thân trong gia đình cùng tham gia cuộc thi ý nghĩa này”.

Lan tỏa ý thức, trách nhiệm gìn giữ, phát triển Thủ đô

Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu 1010 năm Thăng Long - Hà Nội” có 2 phần thi, gồm trắc nghiệm và tự luận, với bộ 20 câu hỏi về truyền thống lịch sử, danh nhân, danh thắng của mảnh đất ngàn năm văn hiến; đóng góp sáng kiến, giải pháp bồi đắp văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các thành tựu của Thăng Long - Hà Nội tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Sau hơn một tháng phát động, cuộc thi nhận được 209.931 bài dự thi, cùng hàng nghìn ý tưởng, đề xuất để xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh.

Nổi bật trong đó là nhiều tác giả tham gia cuộc thi đã đưa ra những giải pháp để phát triển văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, từ đó chắt lọc những điều hay để lan tỏa trong cuộc sống. Hay là việc người tham gia cuộc thi nêu ý tưởng trong công tác tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người dự thi nêu giải pháp để kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn trong gia đình truyền thống phù hợp với những yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị hiện đại…

Ở một góc nhìn khác, nhiều tác giả cũng đưa ý kiến phê phán, kiến nghị khắc phục những mặt còn hạn chế trong giao tiếp, ứng xử, thái độ vô trách nhiệm đối với cộng đồng của một bộ phận cư dân để góp phần xây dựng xã hội văn minh.

Đại diện Ban tổ chức cuộc thi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, từ khi phát động đến nay, cuộc thi ngày càng có sức lan tỏa lớn và nhận được sự quan tâm của công chúng. “Theo kế hoạch, cuộc thi sẽ dừng nhận bài vào ngày 30-10. Sau chấm chung khảo, Ban Giám khảo sẽ chọn ra những bài thi chất lượng nhất để trao giải”, bà Bùi Thị Thu Hiền thông tin.

Nhận xét về ý nghĩa của cuộc thi “Tìm hiểu 1010 năm Thăng Long - Hà Nội”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức cho rằng, cuộc thi sẽ gợi mở những sáng kiến, ý tưởng để mỗi công dân Thủ đô thêm hiểu giá trị của mảnh đất ngàn năm, từ đó có ý thức dựng xây Hà Nội ngày một đẹp hơn, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/980805/hieu-de-them-yeu-que-huong-dat-nuoc