Hiểu để yêu thương: Tình yêu không phân biệt

Không ít người đã từng nghĩ đồng tính là do lây nhiễm do 'học đòi' hoặc nếu cố gắng 'bẻ' thì chất đồng tính sẽ mất đi. Chuyên gia ThS Quang Thị Mộng Chi - Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) - chia sẻ nhiều thông tin hữu ích, đặc biệt là những phụ huynh có con, muốn hiểu con, hiểu về LGBT…

Đồng thời, chuyên gia cho rằng không quá khó để chúng ta yêu thương và đón nhận mọi người, dù ai đó có thuộc cộng đồng LGBTIQ+ hay không.

Phóng viên:

- Khi số lượng người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ hay nhiều giới gọi là giới tính thứ ba ngày càng đông nhưng nhiều người, ngay cả là người trong cộng đồng LGBTIQ+ hay phụ huynh cũng chưa hiểu hết về xu hướng tính dục ? Xin chuyên gia chia sẻ về xu hướng tính dục, bảng dạng giới?

ThS Quang Thị Mộng Chi - Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM:

- Giới tính thứ ba là cách gọi mà xã hội quen dùng. Nhưng nếu gọi là người có giới tính thứ ba thì sẽ dễ bị nhầm lẫn và gây ra những khó hiểu cho mọi người. Do đó, bản thân tôi nghĩ rằng mọi người cần có cách gọi tên đúng để hiểu đúng về vấn đề này, từ đó có những hành vi ứng xử phù hợp.

Bản dạng giới và xu hướng tính dục là hai khái niệm chỉ về những đặc điểm tính dục khác nhau của con người. Trong đó, bản dạng giới nói về việc một người cảm nhận về mình thuộc về một giới tính nhất định mà có thể trùng hoặc không trùng với giới tính sinh học mà họ có khi được sinh ra.

Người có bản dạng giới giống với giới tính sinh học được gọi là người hợp giới, nghĩa là nếu họ sinh ra có đặc điểm sinh học (gen, nhiễm sắc thể giới tính, cơ quan sinh dục, hóc môn sinh dục) là nam thì nhận dạng giới tính mình là nam, nếu các đặc điểm sinh học mình là nữ thì nhận dạng giới tính của mình là nữ.

Ngược lại, người có bản dạng giới không phù hợp với giới tính sinh học được gọi là người chuyển giới, nghĩa là họ có đặc điểm sinh học là nam nhưng không nhận dạng mình là nam giới mà muốn được nhận dạng và cư xử giống người thuộc giới tính khác.

Thuật ngữ thứ hai mà mình nhắc đến ở đây là xu hướng tính dục. Đây là một thuật ngữ dùng để mô tả về việc một người bị thu hút tình dục bởi giới tính nào. Thu hút tình dục được hiểu là mình bị hấp dẫn tình dục và có tình cảm gắn bó yêu thương với giới tính nào, không phụ thuộc vào bản dạng giới.

Có nhiều kiểu loại xu hướng tính dục nhưng thường có 5 loại chính được xác định như: dị tính (người bị thu hút bởi người trái giới tính), đồng tính (người bị thu hút bởi người cùng giới tính), song tính (người bị thu hút bởi cả hai giới tính), vô tính (người không bị thu hút bởi bất kỳ giới tính nào) và toàn tính (người bị thu hút bởi đối tượng nào đó mà không vì phân loại giới tính hay bản dạng giới nào). LGBTIQ+ là cụm từ viết tắt để mô tả chung về những người có khuynh hướng tính dục và bản dạng giới không theo số đông (dị tính và hợp giới).

- LGBTIQ+ có phải là bệnh, là có thể lây truyền và có thể "đua đòi" như một số người vẫn nghĩ hay không thưa chuyên gia?

Hoạt động ý nghĩa của cộng đồng LGBTIQ+. Ảnh Trung tâm ICS

Hoạt động ý nghĩa của cộng đồng LGBTIQ+. Ảnh Trung tâm ICS

- LGBTIQ+ từ lâu đã được cộng đồng y tế và tâm lý trên thế giới thừa nhận rằng đây không phải là bệnh và không cần chữa trị, lại càng không phải là sự "đua đòi" mà có.

Hiện nay, người ta nhận thấy nguyên nhân một người sinh ra có những đặc điểm về bản dạng giới và khuynh hướng tính dục thiểu số có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau, có sự tác động qua lại của các yếu tố như bẩm sinh, di truyền, môi trường bào thai và cách tương tác của những nhân tố này với môi trường xã hội. Tuy nhiên, họ cũng thấy rằng không có một con đường duy nhất dẫn đến việc một người có 1 kiểu bản dạng giới hay khuynh hướng tính dục nhất định.

Và quan trọng nhất là không phải người đó hay ai khác muốn kiểu bản dạng giới và khuynh hướng tính dục nào cũng được, mà nó được hình thành một cách tự nhiên theo những con đường khác nhau để quyết định cách một người nhận dạng về giới tính và xu hướng tính dục của mình. Đồng thời, các đặc điểm này không thể bị lây nhiễm hay học hỏi mà có được vì trong đó có sự tác động rất lớn bởi các yếu tố sinh học không phụ thuộc vào ý muốn của con người.

- Kinh nghiệm từ những ca đã tham vấn, theo chuyên gia, trẻ em bao nhiêu tuổi thì có thể nhận biết xu hướng tính dục của mình, giới tính thật của mình? Trẻ em có nên "come out" sớm hay không?

- Số liệu từ các nghiên cứu trên thế giới cho thấy bản dạng giới của một người thường được khám phá khá sớm từ những năm đầu đời. Nghĩa là, một đứa trẻ cảm nhận mình thuộc giới tính nào đó là khá sớm, từ khoảng 3-5 tuổi. Còn xu hướng tính dục là điều mà một cá nhân có thể nhận ra vào lứa tuổi dậy thì hoặc sau đó, khi trẻ có những thu hút về giới tính đầu tiên.

Nếu trẻ nhận ra bản dạng giới và xu hướng tính dục của mình không theo hình mẫu chung của xã hội thì sẽ có những khó khăn nhất định để thừa nhận những đặc điểm giới tính của mình, có thể dẫn đến có triệu chứng của muộn phiền giới tính, cần được hỗ trợ để trẻ chấp nhận mình và hòa nhập với xã hội theo cách bình thường hóa điều đó để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và xã hội. Do đó, việc của chúng ta là giúp trẻ nhận ra và được sống theo đúng cảm nhận của mình một cách bình an và hạnh phúc, mà không đặt nặng vấn đề come out.

- Bố mẹ nên làm thế nào để con dễ dàng "come out". Theo đánh giá của bà, trẻ come out sớm và come out thành công có thuận lợi so với trẻ khó khăn trong "come out" hay không?

- Bố mẹ là những người thân yêu nhất của trẻ và cũng thường là người mong muốn con được hạnh phúc nhất. Khi sự quan tâm của bố mẹ cho con cái đủ lớn sẽ nhận thấy những điều khác biệt trong giới tính của con, từ đó tìm hiểu và định hướng đúng cho con. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh còn chưa hiểu rõ về vấn đề này, dẫn đến họ không nhận ra và không biết hướng dẫn cho con như thế nào. Do đó, bố mẹ cũng có thể nhờ đến dịch vụ tham vấn chuyên nghiệp để được hỗ trợ.

Một đứa trẻ khi thấy mình khác biệt thì lúc đầu khá là hoang mang và lo lắng. Sau đó, nếu không được hỗ trợ để hiểu biết và ứng xử phù hợp có thể cảm thấy bất công, thù ghét hay sợ hãi đặc điểm giới tính của mình, cảm thấy cô độc và khó khăn trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Vì thế, nếu được nhận diện sớm và được hỗ trợ kịp thời, trẻ sẽ vượt qua những khó khăn ban đầu thuận lợi và dễ dàng hơn, định hướng cuộc sống cho mình tốt hơn, tự tin hơn và thành công hơn.

- Người Việt, nhất là người lớn tuổi, vẫn còn kỳ thị và chưa thật sự thoải mái trong việc đón nhận người trong cộng đồng LGBTIQ+… Làm gì để thay đổi cách nhìn của họ? Theo chuyên gia, cộng đồng LGBTIQ+ làm gì để "come out" thành công, sống hạnh phúc, thành đạt?

Hoạt động ý nghĩa của cộng đồng LGBTIQ+. Ảnh Trung tâm ICS

Hoạt động ý nghĩa của cộng đồng LGBTIQ+. Ảnh Trung tâm ICS

- Người lớn tuổi là lớp người đã sống nhiều năm với những suy nghĩ nhất định, để thay đổi cũng cần thời gian và sự cởi mở đón nhận của họ cũng như cả xã hội.

Tuy nhiên, khi truyền thông hỗ trợ đưa tin đến mọi người, chia sẻ những góc nhìn từ người có chuyên môn, cũng như những người đang trực tiếp trải nghiệm kiểu người thật việc thật này sẽ giúp mọi người dễ hình dung hơn và thuyết phục hơn đến xã hội, trong đó có người lớn tuổi.

Nếu nhìn từ góc độ LGBTIQ+ là tự nhiên và sự yêu thương con người thì tôi nghĩ rằng không quá khó để chúng ta yêu thương và đón nhận mọi người, dù ai đó có thuộc cộng đồng LGBTIQ+ hay không.

Khó khăn lớn nhất cho người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ là nhận thức xã hội chưa mở, chưa có những hiểu biết đúng đắn về họ. Dẫn đến những kỳ thị và mong muốn sửa đổi gây áp lực nặng nề cho họ.

Từ khó khăn trong việc được thừa nhận sẽ dẫn đến nhiều bất đồng, mâu thuẫn và bất hạnh trong tâm lý của họ. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thức về vấn đề bản dạng giới và khuynh hướng tính dục đã được cởi mở và phổ biến rộng rãi hơn, những quy định chính thức của Bộ Y tế cũng mở ra cơ hội nhìn nhận vấn đề khách quan, mang tính hỗ trợ hơn cho cộng đồng này là những thuận lợi cho họ để hướng đến sự hạnh phúc và thăng tiến hơn trong cuộc sống.

Xin cảm ơn chuyên gia!

Năng lực người thuộc LGBT có khác thường?

Theo ThS Quang Thị Mộng Chi, khuynh hướng tính dục và bản dạng giới của một người không quy định những đặc điểm nhân cách và năng lực của người đó. Nghĩa là nó độc lập với việc họ giỏi hay dở.

Nhưng nếu một người gặp khó khăn trong nhận dạng giới, bị kỳ thị, xa lánh hay bị ép phải thay đổi bề ngoài để từ chối đặc điểm giới tính của mình vì cho rằng nó không phù hợp với chuẩn mực xã hội thì sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận giá trị bản thân, sự hài lòng với cuộc sống.

Điều này ảnh hưởng đến việc tiếp cận với những công việc và mối quan hệ hỗ trợ cho người đó có thể phát triển khả năng thì có thể họ sẽ không phát huy được tối đa khả năng của họ.

LGBTIQ+ là cụm từ viết tắt để mô tả chung về những người có khuynh hướng tính dục và bản dạng giới không theo số đông (dị tính và hợp giới).

Sơn Nhung - Ngọc Xuyên (thực hiện) - Ảnh: Trung tâm ICS

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/ban-linh-song/hieu-de-yeu-thuong-tinh-yeu-khong-phan-biet-2023112422460023.htm