Hiểu đúng, chấp hành nghiêm khi tham gia giao thông
Theo quy định của pháp luật, người tham gia giao thông phải chấp hành đèn tín hiệu, tuân thủ biển báo giao thông. Tuy nhiên, nhiều người điều khiển phương tiện là xe mô tô, xe gắn máy thiếu kỹ năng, hiểu biết, sợ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 168/2024/NĐ-CP nên không để ý, không tuân thủ tín hiệu đèn ở các điểm giao cắt dẫn đến những hành vi vi phạm này xảy ra khá phổ biến.
Dừng xe khi đèn vẫn xanh cũng là vi phạm
Khi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, mức xử phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ là rất nghiêm khắc, có thể tới 6.000.000 đồng đối với xe mô tô, 20.000.000 đồng đối với xe ô tô. Do đó, một số người sợ phải nộp phạt mà dừng đột ngột trước đèn đỏ. Đây không phải là do Nghị định mà do kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông.
Về nguyên tắc là đèn giao thông có ba loại tín hiệu là đỏ, xanh, vàng. Hầu như ai tham gia đều nắm rõ, đèn xanh là được đi, đèn đỏ phải dừng, đèn vàng cần chú ý và đi chậm lại để dừng (trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp). Trước đây, nhiều người chỉ dừng lại khi đèn đỏ (thậm chí vẫn vượt), đèn vàng vẫn cố tình vượt qua.
Khi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực, nhiều người sợ vượt đèn đỏ nên khi còn vài giây đèn xanh đã vội dừng lại. Đây là hành vi không tuân thủ pháp luật về giao thông, cho thấy người điều khiển xe thiếu kỹ năng, hiểu biết các quy định khi tham gia giao thông.
Hành vi này có thể gây tai nạn nếu dừng xe lại đột ngột trong khi các phương tiện phía sau vẫn đang di chuyển, thậm chí có thể bị xem xét xử lý theo quy định tại Điều 261 Bộ luật Hình sự hiện hành về tội cản trở giao thông đường bộ. Do vậy, người tham gia giao thông cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật để tuân thủ, tránh gây cản trở giao thông và tai nạn có thể xảy ra cũng như có kiến thức, kỹ năng để cầm lái một cách an toàn nhất.
Một số lưu ý khác
Đối với một số đèn tín hiệu bị hư hỏng, đó là chuyện bình thường vì đó là phương tiện điện tử, có thời hạn sử dụng và hoàn toàn có thể gặp lỗi bất kỳ lúc nào. Khi đèn tín hiệu bị hư hỏng thì coi như không có đèn tín hiệu, người tham gia giao thông không có nghĩa vụ phải chấp hành đèn tín hiệu hỏng.
Ngoài ra, khi có hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông thì sẽ tuân thủ theo hiệu lệnh chứ không tuân thủ theo đèn. Đây là một trong những nội dung đầu tiên được phổ biến khi học lái xe. Vấn đề này được quy định tại Điều 8 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ, cụ thể như sau: Tất cả các lái xe, người đi bộ đều phải chấp hành nghiêm chỉnh hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, kể cả trong trường hợp hiệu lệnh trái với tín hiệu của đèn điều khiển giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường.
Khoản 4.1 Điều 4 của Quy chuẩn trên cũng quy định về thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu như sau: Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; hiệu lệnh của đèn tín hiệu; hiệu lệnh của biển báo hiệu; hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
Khi có xe cấp cứu, xe ưu tiên khác thì người điều khiển phương tiện có thể vượt đèn đỏ để tránh đường cho xe ưu tiên, trong tình huống này thì không được coi là vi phạm… Tuy nhiên, nhiều người không hiểu biết pháp luật lại chấp hành luật giao thông một cách cứng nhắc và không biết ứng xử trong các tình huống đặc biệt nên gây ra những hiểu lầm trong dư luận xã hội.
Tăng mức chế tài chỉ là giải pháp trước mắt để đánh vào ý thức của người tham gia giao thông. Tăng mức xử phạt chỉ tác động vào một bộ phận trong xã hội đó là những người có ý thức kém, thường xuyên vi phạm giao thông chứ không ảnh hưởng gì đối với đại đa số những người chấp hành tốt.
Ngoài việc tăng mức chế tài thì Nhà nước đã và đang thực hiện đồng bộ rất nhiều các giải pháp trong đó có giải pháp về xây dựng hạ tầng giao thông, trang bị các thiết bị điện tử, tự động hóa trong điều khiển giao thông, phân luồng bố trí lại giao thông và phát triển các phương tiện công cộng, phân bố lại dân cư cũng như các giải pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông…
Bởi vậy, những phản đối việc tăng mức chế tài thường là những người có ý thức kém, thường xuyên vi phạm giao thông, đó là những người không có ý thức tuân thủ hoặc các thành phần bất mãn chống đối lợi dụng chính sách pháp luật mới để đưa ra những luận điệu xuyên tạc nhằm làm suy giảm uy tín của Đảng, Nhà nước với nhân dân, phục vụ cho mục đích phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.