HIỂU ĐÚNG, LÀM TRÚNG TRONG THỰC HIỆN TỰ CHỦ TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP
Tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vấn đề thực hiện tự chủ ở bệnh viện và đề nghị cần có những biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn. Cùng quan tâm đến vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần có cách hiểu đúng, sâu sắc, toàn diện đối với vấn đề này để đảm bảo đưa ra những quy định phù hợp với thực tiễn hoạt động của các cơ sở y tế.
ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: TỰ CHỦ Ở ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP – THÁO GỠ NÚT THẮT CÀNG SỚM CÀNG TỐT
Tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội có đề cập đến vấn đề thực hiện tự chủ ở bệnh viện. Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước tại các phiên tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hiện tự chủ bệnh viện là một quyết sách lớn của Nhà nước, cũng là xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhiều vấn đề nhận thức về tự chủ bệnh viện ngày càng được rõ hơn. Tuy nhiên, bện cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ bệnh viện cũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Đơn cử, sau 2 năm triển khai thí điểm tự chủ toàn diện, 2 bệnh viện tuyến cuối của cả nước là bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện K đều đã xin dừng thí điểm.
Nhiều ý kiến từ phía các chuyên gia, các nhà quản lý y tế cho rằng, những vướng mắc trên là do cơ chế thực hiện tự chủ bệnh viện chưa đầy đủ, giá dịch vụ y tế không được tính đúng tính đủ, vấn đề liên doanh liên kết máy móc, trang thiết bị chưa rõ ràng, thậm chí vướng các quy định của pháp luật, dẫn tới thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân…
Bàn về vấn đề này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, khi bệnh viện đồng thuận với việc tự chủ nghĩa là đơn vị đó đã cân nhắc các điều kiện về nguồn thu, đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất,...
Tuy nhiên, trong quá trình thí điểm tự chủ, bệnh viện nào đó được giao tự chủ nhận thấy là việc thiếu hụt nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước không thể vận hành bệnh viện thông suốt được. Nguồn thu không đủ bù chi; không đủ nguồn lực, chế độ chính sách để thu hút đội ngũ y bác sĩ giỏi.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đặt vấn đề: Tự chủ bệnh viện cần phải hiểu theo cách nào cho đúng? Nếu cơ quan quản lý Nhà nước cứ giao hết trách nhiệm tự chủ cho bệnh viện thì việc khám chữa bệnh cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn sẽ như thế nào, ai đảm nhận?
Đại biểu cho rằng, khi giao quyền tự chủ cho bệnh viện thì thay vì giao toàn bộ ngân sách cho bệnh viện để vận hành việc khám chữa bệnh như mọi khi thì Nhà nước có thể đặt hàng cho bệnh viện trong việc nâng cấp cơ sở vật chất, khám chữa bệnh cho người nghèo hay một số đối tượng khác. Còn những khoản thu mà do bệnh viện thu được do các hoạt động xã hội hóa hay các hình thức khác thì nên được khuyến khích nhưng phải tuân theo định hướng, tôn chỉ mục đích.
Theo đại biểu, việc tự chủ bệnh viện phải được hiểu là tạo mọi điều kiện để bệnh viện phát huy được sự sáng tạo trong điều kiện đặc thù để phục vụ người dân tốt hơn, có thêm nguồn thu tốt hơn, lành mạnh, đúng định hướng thì mới đáp ứng được đúng bản chất của việc tự chủ bệnh viện. Còn nếu tự chủ bệnh viện là giao khoán, tự lo tài chính thì có thể đứng trước những sai sót.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, khi thực hiện tự chủ bệnh viện phải rà soát lại Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Công chức, viên chức. Mặt khác, phải có những quy định rất rõ là đơn vị sự nghiệp công lập được làm gì, không được làm gì; người đứng đầu được quyết định những nội dung, vấn đề gì?
Ngoài ra, trong bệnh viện có thể thực hiện thí điểm về quản lý bệnh viện. Theo đó, người quản lý hành chính nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì có thể quản lý về mặt chuyên môn. Còn trong điều kiện bệnh viện ưu tiên hoạt động chuyên môn, ưu tiên bác sĩ giỏi thì chúng ta có thể thực hiện thí điểm bệnh viện có giám đốc về chuyên môn, giám đốc quản lý về hành chính hoặc nơi nào đủ điều kiện thì 1 người đảm nhiệm quản lý cả 2 nhiệm vụ trên.
Quan tâm đến vấn đề này, TS.Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, tự chủ tài chính là một nhu cầu tất yếu trong quá trình vận động và phát triển của xã hội cũng như trong quá trình vận động và phát triển của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế nói riêng, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, tự chủ bệnh viện thì phải bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe, tức là tiền túi của người dân phải bỏ ra ít đi và ngân sách của Nhà nước phải tập trung nhiều hơn. Cùng với đó, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phải được nâng cao và khả năng tiếp cận của người bệnh đối với các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, với chất lượng cao hơn và giá cả dịch vụ vừa phải. Ngoài ra, việc thực hiện tự chủ vẫn phải bảo đảm đây là đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Theo TS.Nguyễn Huy Quang, trong thực hiện tự chủ ở các cơ sở y tế, không chỉ tự chủ về mặt tài chính, mà trước hết còn là tự chủ về các hoạt động chuyên môn, về tổ chức cán bộ, về đầu tư mua sắm và quản lý tài sản, về giá dịch vụ khám chữa bệnh, về tiền lương và mức độ phụ cấp. Cần xem xét vấn đề này nhiều mặt, đối chiếu với các quy định ở nhiều khía cạnh để tìm cách tháo gỡ.
Trao đổi về vấn đề này, TS.Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc giao chuyển tự chủ hoàn toàn cho các bệnh viện một cách thiếu tính toán khi các cơ sở y tế này chưa đủ điều kiện sẽ gây lợi bất cập hại. Phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân, TS.Bùi Sỹ Lợi cho rằng những bất cập xuất phát từ 3 vấn đề, trước hết là bởi hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, khâu tổ chức thực hiện chưa được thực hiện hiệu quả, và vấn đề mang tính chất quyết định là cơ chế giá.
Theo TS.Bùi Sỹ Lợi, trong Nghị quyết 19 của Trung ương về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, có 4 loại hình tự chủ về tài chính, trong đó có loại hình tự chủ toàn diện, toàn phần, tuy nhiên thực tế cho thấy các bệnh viện ở mọi tuyến đều chưa có đủ điều kiện, năng lực về mặt tài chính để thực hiện tự chủ toàn diện, nhất là khi giá khám, chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ. Những bất cập này đem đến nhiều khó khăn, vướng mắc cho cả ngành y tế lẫn người dân, trong khi chăm sóc sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước chúng ta.
Tại Văn kiện Đại hội XII, XIII, Trung ương đã nhấn mạnh phải bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản, tối thiểu: Giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông, trong đó y tế có tính chất quyết định, rất quan trọng. TS.Bùi Sỹ Lợi nêu rõ, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư đối với bệnh viện tuyến cuối và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc giao tự chủ cần gắn với đầu tư, hiện đại hóa về mặt công nghệ, tích cực chuyển giao công nghệ kỹ thuật hiện đại cho tuyến 2 và tuyến cơ sở, bảo đảm an sinh xã hội.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=71409