Hiểu đúng về 'ranh giới' trong khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp thứ 8. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai (ảnh) xung quanh những điểm mới quan trọng của dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý.
PV: Xin ông cho biết, sau khi được Quốc hội cho ý kiến tại tổ và tại hội trường, dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sắp tới trình Quốc hội thông qua có những điểm mới nào đáng lưu ý?
ÔNG NGUYỄN HOÀNG MAI: Thứ nhất, về đối tượng tham gia, dự thảo cơ bản đã tập hợp đầy đủ các đối tượng đã được quy định trong luật và pháp lệnh có liên quan, đồng thời bổ sung một nhóm đối tượng chưa được quy định trong luật và các pháp lệnh khác, đó là nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản. Thứ hai, thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, từ ngày 1-1-2025, bệnh nhân được chuyển tuyến theo cấp chuyên môn kỹ thuật.
Nhiều ý kiến phản ánh vẫn chưa hiểu rõ về liên tuyến xếp theo cấp chuyên môn kỹ thuật theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023. Ông có thể phân tích thêm về điều này?
Từ ngày 1-1-2025 chỉ còn 3 cấp là ban đầu, cơ bản, chuyên sâu thay vì 4 tuyến như trước đây. Xếp cấp cụ thể như thế nào thì hiện nay các cơ quan chức năng đang rất khẩn trương. Đúng là cũng có nhiều vấn đề đặt ra trong vấn đề chuyển cấp, liên quan đến quyền lợi của bệnh nhân cũng như hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện quy định chuyển cấp này, nhưng sẽ được xử lý bằng quy định chuyển tiếp.
Còn quy định “ranh giới hành chính” được hiểu thế nào, thưa ông?
Đó chính là điểm mới thứ 3 mà tôi muốn đề cập. Cần nói rõ là khái niệm bỏ “ranh giới hành chính” thường bị hiểu nhầm là khám chữa bệnh ở đâu cũng sẽ được thanh toán bảo hiểm như nhau. Vẫn có những quy định ràng buộc bằng mức hưởng bảo hiểm.
Ví dụ, bệnh nhân tự đi khám chữa bệnh ở cấp cơ bản và cấp ban đầu thì có thể lựa chọn cơ sở phù hợp với mình và bảo hiểm sẽ thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh, trừ khám chữa bệnh ngoại trú ở bệnh viện cấp cơ bản (hiện nay đang là bệnh viện tuyến tỉnh) được thanh toán 50% chi phí. Nhưng đối với cấp chuyên sâu, nếu bệnh nhân không nằm trong một số trường hợp được quy định (bệnh hiểm nghèo, cấp cứu…) mà tự đến khám, chữa bệnh thì chỉ được bảo hiểm chi trả 40% chi phí nội trú.
Điểm mới thứ 4, cũng là vấn đề có nhiều tranh luận, là thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế đã thiết kế một số cơ chế nhằm bảo đảm nguồn cung thuốc cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp thiếu thuốc. Cụ thể là cơ chế điều chuyển thuốc từ bệnh viện nọ sang bệnh viện kia.
Có ý kiến đề nghị cơ chế thanh toán chi phí cho những bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc trong danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Ý kiến đó có được tiếp thu?
Cá nhân tôi cho rằng nên cho bệnh viện mua thuốc và sau đó thanh toán với bảo hiểm y tế, nhưng do còn có ý kiến khác nhau nên dự thảo chưa thể hiện nội dung này. Bộ Y tế đã ban hành một thông tư, theo đó cơ quan bảo hiểm thanh toán trực tiếp với bệnh nhân. Nhưng với quy trình thủ tục phức tạp, quy định này rất khó thực hiện trong thực tế.
Thực tế đã có những thời điểm xảy ra tình trạng không chỉ thiếu thuốc mà còn thiếu máu, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế... Vậy sau khi Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua có giải quyết được những vấn đề này?
Chính phủ bảo đảm sẽ có nhiều giải pháp để không tái diễn tình trạng này. Tất nhiên không chỉ thuốc mà tất cả những vật tư y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh đều phải đảm bảo đầy đủ. Trách nhiệm trực tiếp là của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Về mặt nguyên tắc, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện hoạt động phải bảo đảm được thuốc men, trang thiết bị, vật tư y tế để khám bệnh, chữa bệnh.
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y rất kỳ vọng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế sẽ dễ dàng hơn. Dự thảo luật này có giúp hiện thực hóa mong muốn đó?
Có. Đó chính là trường hợp được xác định trong danh mục được lên thẳng cơ sở y tế cấp chuyên sâu và ở bất cứ đâu cũng được hưởng quyền lợi về bảo hiểm như nhau. Quy định này sẽ giúp giải tỏa tình trạng bệnh nhân mong muốn được chuyển viện nhưng gặp khó khăn. Tôi cũng muốn nhắc tới một nội dung mới nữa, đó là dự thảo luật trao quyền cho người tham gia bảo hiểm lựa chọn hình thức có lợi nhất cho họ.
Vậy tại sao đối tượng học sinh, sinh viên lại không được lựa chọn tham gia bảo hiểm theo hộ gia đình?
Số lượng học sinh, sinh viên là rất lớn và đối tượng này đã được ngân sách hỗ trợ một phần chi phí. Việc tham gia bảo hiểm ở trường học sẽ giúp cho tỷ lệ “phủ” bảo hiểm đối với đối tượng này cao hơn. Để bảo đảm công bằng, giải pháp là Chính phủ cần nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho họ.
Ý kiến đề xuất bổ sung cựu công an nhân dân vào đối tượng được ngân sách chi trả bảo hiểm y tế được tiếp thu như thế nào?
Quá trình thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế chưa có điều kiện đánh giá kỹ tác động của chính sách này. Do đó, vấn đề sẽ được xem xét ở thời điểm thích hợp.