Hiểu đúng về 'trong sạch', 'liêm, chính'

Ông H nghỉ hưu được hơn một năm thì cơ quan nơi ông làm thủ trưởng lúc đương nhiệm bị cơ quan cấp trên về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Người trong khu phố thấy ông buổi sáng vẫn dắt chó đi dạo, buổi chiều ung dung chơi cờ với mấy ông nghỉ hưu thì rỉ tai nhau:

- Ông này “bản lĩnh” nhỉ, cứ thấy “bình chân như vại” ấy!

- Ổng nghỉ hưu rồi thì liên quan gì?

- Ơ, ông không thấy mấy năm gần đây toàn “nguyên” cán bộ “dắt nhau” vào tù à? Hết thời “hạ cánh an toàn” rồi ông ạ!

Lại có người nói:

- Ai thì tôi không biết, nhưng ông H là người trong sạch, liêm, chính. Dù là thủ trưởng một đơn vị quan trọng nhưng ông ấy không giống những “quan tham” khác. Tôi là hàng xóm nên biết rõ những dịp lễ, tết, nhiều vị khách lúc đến nhà ông thì hớn hở, nhưng ra khỏi nhà thì mặt ỉu xìu vì ông ấy cương quyết không nhận quà! Mà không nhận quà thì coi như không “gửi gắm” được gì!

- Ôi dào! Cửa trước đóng nhưng cửa sau lại mở. Ông ấy không nhận thì người ta tìm cách “tập kích” vào hậu phương của ông ấy chứ chịu à!

- Nhà này khác. Không chỉ vợ mà các con ông ấy đều là người đàng hoàng, sống giản dị, khiêm nhường. Tôi thấy ông ấy chỉ hưởng quyền lợi từ chức vụ Nhà nước giao chứ không trục lợi vị trí công tác như một số người. Nói thế tội ông ấy!

- Cứ cho là ông ấy trong sạch, nhưng để cấp dưới, đàn em làm bậy thì không thể vô tội được!

Đoạn đối thoại của mấy ông bà đi bộ buổi sáng lọt vào tai tôi trong lúc hít thở ngoài công viên. Và dù không biết ông H là ai, tôi vẫn không khỏi suy nghĩ về mấy từ “trong sạch” và “liêm, chính”.

Nhìn lại hàng loạt vụ vi phạm pháp luật thời gian qua, không ít người có vị trí quan trọng trong xã hội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Họ không chỉ vơ vét cho bản thân mà còn tạo dựng những đường dây, ê-kíp vòng trong vòng ngoài để bảo vệ, che chắn cho nhau. Đến khi vụ việc bị phơi ra ánh sáng pháp luật thì cha con, vợ chồng, họ hàng cùng những người thân tín “dắt nhau” vào tù. Trong hoàn cảnh ấy, có những cán bộ không chỉ biết giữ mình mà còn giáo dục các thành viên trong gia đình không tham của bất minh, giữ nền nếp, gia phong như ông H là điều rất đáng quý.

Tuy nhiên, nếu ông H chỉ biết giữ mình, không để người thân trong gia đình lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi, nhưng lại để cấp dưới vi phạm thì rõ ràng không thể vô can. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được Nhà nước hoặc tổ chức Đảng trao quyền để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị có vai trò quan trọng, quyết định đến kết quả lãnh đạo, quản lý, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Là người có quyền hạn cao nhất, họ phải chịu trách nhiệm chính về hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách. Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới đã đưa ra chuẩn mực cán bộ, đảng viên không chỉ “Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật”, mà còn “thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh”. Đây chính là điểm mới mà Đảng ta đúc rút từ thực tiễn sinh động của cuộc sống. 5 nội dung được quy định tại Quy định số 144 là 5 yếu tố căn bản, thể hiện bản lĩnh chính trị và đạo đức của đảng viên. Và bản lĩnh chính trị của tổ chức Đảng được thể hiện qua bản lĩnh chính trị của từng đảng viên, nhất là đảng viên là người đứng đầu đơn vị.

Thực tế có những đảng viên là người đứng đầu được cấp dưới và người dân đánh giá là trong sạch, không tham lam của bất minh, nhưng lại không quyết liệt, nghiêm khắc xử lý cái sai của cấp dưới. Đây chính là “điểm nghẽn” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cần được ngăn chặn, đẩy lùi. Bởi vì, thấy đúng mà không bảo vệ sẽ không phát huy được tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Thấy sai không đấu tranh là biểu hiện của căn bệnh nể nang, né tránh, ngại va chạm. Căn bệnh này sẽ dung dưỡng những sai trái, làm cho các chuẩn mực bị sai lệch và là căn nguyên gây mất đoàn kết. Với cán bộ, đảng viên nói chung, nó biểu hiện ở việc không phát biểu, không thể hiện chính kiến trong cuộc họp, thờ ơ, bàng quan, vô cảm kiểu “sống chết mặc bay”. Với người đứng đầu, nó thể hiện sự thiếu trách nhiệm với cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về tình trạng thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh “khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ”.

Như vậy, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, người đứng đầu luôn có vai trò to lớn và quyết định sự thành công hay thất bại của đơn vị. Người lãnh đạo gương mẫu, chính trực sẽ giúp tập thể đoàn kết, phát triển vững mạnh. Ngược lại, nếu không phát huy vai trò nêu gương, chính trực thì chính người đứng đầu sẽ khiến nội bộ lục đục, yếu kém.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/163639/hieu-dung-ve-trong-sach-liem-chinh