Hiểu phong tục tập quán để làm lợi cho dân

Chủ trương 'người đứng đầu cấp ủy không là người địa phương' theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị được nhiều địa phương, đơn vị thực hiện khá tốt mấy năm qua. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ, đòi hỏi người cán bộ phải luôn rèn giũa, học hỏi, cập nhật kiến thức mới; trong đó học phong tục, tập quán người dân địa phương.

Ông Lê Quốc Khánh, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An hồi còn làm Phó bí thư Huyện ủy Quế Phong gặp mấy chuyện “dở khóc dở cười” thế này. Ông kể: Ở các huyện miền núi phía tây Nghệ An có nhiều người dân tộc Thái. Họ có cử chỉ chào hỏi xã giao khá lạ, đàn ông giơ hai bàn tay song song trước mặt vái vái, đàn bà ngửa hai bàn tay trước bụng nâng nâng. Bữa đó có đoàn khách đến địa phương trao quà. Đoàn về bà con ra đường tiễn. Về đến trụ sở xã, mấy anh trong đoàn trách móc lẫn nhau “chia kiểu gì để đến lúc về bà con vẫn ngửa tay ra xin”. Lãnh đạo xã vừa lấy làm lạ vừa xấu hổ, bèn hỏi lại thật kỹ. Thành viên trong đoàn tranh nhau miêu tả. Bí thư Đảng ủy xã sau phút ngờ ngợ bèn diễn tả lại động tác rồi hỏi: Có phải thế này không? Mọi người ồ lên: Đúng vậy! Lúc này Bí thư mới cười rộ, nói: “Các vị hiểu nhầm rồi đây là cách người dân vùng này chào khách. Không khác gì cách người dưới xuôi bắt tay, vẫy chào nhau cả”.

 Người dân xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) được cán bộ hướng dẫn trồng chanh leo phát triển đời sống, kinh tế.

Người dân xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) được cán bộ hướng dẫn trồng chanh leo phát triển đời sống, kinh tế.

Một lần khác, có đoàn công tác của tỉnh đoàn đến xã miền núi đặc biệt khó khăn làm dân vận. Ngoài các hoạt động thăm hỏi, giao lưu văn nghệ, đoàn còn có chương trình giúp dân sửa đường. Các đại biểu của tỉnh đoàn hồ hởi bắt tay vào việc ngay. Người cầm cuốc, người cầm mai… cuốc bờ, đào đất rất hăng hái. Đại biểu toàn là đoàn viên thành phố, làm chừng nửa giờ đã “bở hơi tai”, nhìn lại thấy thanh niên xã đứng chơi, vẻ mặt rất “chờ đợi”. Mọi người phàn nàn: Anh em chúng tôi từ xa đến đây giúp bà con vậy mà đoàn viên, thanh niên xã thấy việc lại chỉ đứng nhìn, thật chẳng ra làm sao. Việc ấy được phản ánh với trưởng đoàn, trưởng đoàn phản ánh với bí thư đoàn xã. Anh bí thư đoàn xã cười như mếu: Dân trên này phải “khoán” rõ ràng người ta mới làm cơ. Trưởng đoàn công tác hiểu ra chuyện, bèn ước lượng rồi “khoán” mỗi người dăm mét đường. Lúc đó đoàn viên, thanh niên xã mới ào vào làm loáng chút đã xong. Đó quả là bài học rất “thấm” về công tác tổ chức, tiến hành công việc của cán bộ tỉnh đoàn.

Đồng bào người Mông ở miền tây Nghệ An rất siêng năng, chịu khó. Nhưng vận động họ tham gia phong trào phải biết lựa lời. Ví dụ, với những công việc chung thì phải lấy việc chung ra để áp dụng, chứ vận động “suông” có khi “xôi hỏng, bỏng không”. Nhưng chuyện ở một bản nọ, thời gian trước bà con hay phàn nàn với chính quyền cấp xã, cấp huyện là không làm đường lên bản cho bà con. Ngẫm ra chuyện này khá vô lý vì ít ra phải có tuyến đường mòn thì mới có cơ sở đưa vào “quy hoạch” xây dựng cơ bản chứ? Đằng này bà con toàn cắt rừng, cắt dốc, đến đường mòn cũng chẳng có. Ông Khánh vận động bà con mở con đường mòn để “đặt được bàn chân” đã. Bà con gật gù tỏ vẻ hiểu ý nhưng rồi chẳng ai chịu làm, cán bộ thôn, bản cũng chịu không vận động được. Ông Khánh bèn xuống bản nói rằng thời gian làm đường sẽ được tính vào thời gian lao động công ích trong năm. Lúc ấy dân mới chịu nghe. Ông Khánh lại “vận dụng” lấy bản này “chi viện” cho bản kia làm xoay vòng mấy năm, bản nào cũng có đường mòn, lối mở. Lúc đầu đường chỉ đặt được bàn chân, sau thành đường xe đạp, rồi xe máy… đến nay ô tô đã lên được nhiều bản. Ông Lê Quốc Khánh kết luận: Như vậy phải hiểu cách nghĩ, cách làm của bà con để làm dân vận phù hợp mới mang lại hiệu quả.

Mới đây chúng tôi đến xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn, Nghệ An) đúng dịp địa phương được công nhận về đích nông thôn mới. Trò chuyện với Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Lượng, chúng tôi mới biết được rằng quá trình vận động bà con thay đổi nếp sinh hoạt không hề đơn giản. Một trong những nếp cũ là thói quen dùng nước suối của bà con, từ nấu cơm, đun nước cho tới giặt giũ, tắm rửa bà con đều ra suối… nguy cơ ô nhiễm cao và không thể đạt chỉ tiêu nông thôn mới. Đến giờ, hầu hết gia đình trong xã đã định hình thói quen dùng nước tại nhà, qua hệ thống ống dẫn từ bể lắng. Vẫn là nước suối đó nhưng được kiểm soát chặt chẽ vệ sinh. Thói quen tắm giặt bên suối được thay bằng việc tắm tại nhà, với bình nóng lạnh; nhiều nhà đã trang bị máy giặt, máy lọc nước tinh khiết…

Thật khó nói việc thay đổi thói quen sinh hoạt, những thứ có thể làm mất đi chút nào đó nét “bản sắc văn hóa” của bà con dân tộc thiểu số là tốt hay xấu. Văn hóa thích nghi với tiện nghi là một xu thế không thể đảo ngược. Nhưng riêng với người cán bộ, việc gì có lợi cho dân thì mình cần làm và phải làm. Ngẫm ra, đất nước ta có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, không ai có thể biết hết, hiểu hết phong tục tập quán của bà con đồng bào dân tộc khác. Nhưng khi đã nhận trách nhiệm trước Đảng, trước dân thì người cán bộ rất nên học hỏi để biết thêm phong tục, tập quán của người dân địa phương nơi mình đảm trách.

Bài và ảnh: ĐÔNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/hieu-phong-tuc-tap-quan-de-lam-loi-cho-dan-624046