Hiệu quả bảo vệ của vaccine Covid-19 kéo dài bao lâu?
Với sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 thì nhiều khả năng vaccine Covid-19 sẽ phải tiêm nhắc lại hằng năm như vaccine cúm mùa.
Dù vaccine ngừa Covid-19 có thể có tác dụng ít nhất trong 6 tháng nhưng chúng sẽ không thể bảo vệ suốt đời
Nhiều người băn khoăn, nếu tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19 thì hiệu quả bảo vệ cơ thể sẽ được bao lâu, hiệu lực bảo vệ của từng loại vaccine mà Việt Nam đang triển khai tiêm chủng như thế nào?
Về nội dung này, BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, do nhu cầu khẩn cấp sử dụng vaccine ngừa Covid-19 để bảo vệ người dân, nên thời gian bảo vệ con người của loại vaccine này chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Hiện nay, các chuyên gia vẫn tiến hành nghiên cứu để xem những người được tiêm vaccine chống đại dịch Covid-19 trong bao lâu sẽ mất khả năng bảo vệ con người. Thử nghiệm của hãng Pfizer cho thấy, nếu chích đủ hai liều vaccine phòng SARS-CoV-2 thì hiệu quả bảo vệ có tác dụng ít nhất 6 tháng và có thể lâu hơn.
Đối với vaccine Moderna, dữ liệu ban đầu cho thấy hiệu quả bảo vệ cơ thể có thể đạt trong ít nhất 6 tháng, hiệu quả trong thời gian lâu hơn nữa vẫn chưa được xác định. Mặc dù vào tháng 1/2021, Moderna tuyên bố vaccine của họ có thể thể kéo dài tác dụng trong một năm.
Đối với vaccine AstraZeneca đang được triển khai tiêm tại Việt Nam thì theo GS-TS-BS. Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, có tác dụng bảo vệ con người sau tiêm đủ hai mũi đạt trên 80%, thời gian bảo vệ ít nhất 7 tháng.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, dù vaccine ngừa Covid-19 có thể có tác dụng trong một năm nhưng chúng sẽ không thể bảo vệ suốt đời như vaccine phòng bệnh sởi. Đặc biệt, sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của các biến thể SARS-CoV-2 như hiện nay, cùng các loại đột biến khác có nguy cơ xuất hiện trong tương lai gần thì sẽ phải tiêm phòng nhắc lại hằng năm như vaccine cúm mùa, cùng với đó các loại vaccine ngừa đại dịch cũng cần được cập nhật để chống lại các biến thể mới của virus. Các chuyên gia cũng nhận định không có vaccine nào an toàn 100% và cũng không có vaccine nào có tác dụng phòng bệnh 100%.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho biết các vaccine Covid-19 khác nhau có những hiệu quả phòng bệnh khác nhau có loại đạt trên 90% nhưng cũng có loại chỉ đạt trên 60%. Tuy vậy chắc chắn việc tiêm vaccine Covid-19 sẽ làm giảm nhẹ được triệu chứng mắc bệnh nặng cũng như giảm tỷ lệ tử vong.
Như vậy, đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được câu trả lời chắc chắn về công dụng của những loại vaccine Covid-19, rằng liệu nó có bảo vệ mọi người khỏi nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không và liệu nó có bảo vệ khỏi việc làm lây truyền bệnh cho người khác hay không.
Vì thế, dù đã tiêm vaccine, người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp khác để phòng ngừa lây nhiễm bệnh.
Công bố hồi tháng 7/2021 của Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) về hiệu lực bảo vệ của các vaccine phòng Covid-19 sau nghiên cứu lâm sàng như sau:
Hiệu lực bảo vệ chống lại bệnh Covid-19 có triệu chứng sau một liều tiêm của vaccine AstraZeneca là 73%, Moderna là 85%, Pfizer là 82%.
Hiệu lực bảo vệ chống lại bệnh Covid-19 nặng hoặc nhập viện từ 21 ngày sau liều đầu tiên của vaccine AstraZeneca là 100%, Moderna là 100%, Pfizer là 83%, Sinopharm là 79%.