Hiệu quả bảo vệ tài sản bằng 'mắt thần' tại thủ phủ tôm hùm ở Phú Yên

'Sau hơn một năm triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình 'Vận động nhân dân lắp đặt camera an ninh bảo vệ tài sản nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài' ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên), công tác giám sát ANTT tại thủ phủ tôm hùm không chỉ siết chặt từ sớm, từ xa, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm' – ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu chia sẻ với PV Báo CAND khi nói về những mô hình ANTT ở địa phương này.

Tìm hiểu về mô hình “Vận động nhân dân lắp đặt camera an ninh bảo vệ tài sản nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài”, chúng tôi được biết thị xã Sông Cầu là địa phương nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Phú Yên, tiếp giáp với TP Quy Nhơn (Bình Định). Vùng đất này có tuyến biển dài 87km với nhiều đầm, vịnh, vũng… giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển và du lịch, trong đó vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông rộng lớn, thu hút hàng ngàn gia đình thả nuôi tôm, cá trong lồng bè.

Kết quả kiểm đếm mới đây cho thấy, thị xã Sông Cầu hiện có 3.968 hộ gia đình đầu tư 133.562 lồng tôm, cá; trong đó có 128.298 lồng tôm hùm thịt, 385 lồng tôm hùm giống và 4.879 lồng cá. Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản từ nghề nuôi tôm, cá ở thị xã Sông Cầu mỗi năm đạt tổng doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng và là mũi nhọn kinh tế ở địa phương này đang được khai thác tiềm năng để phát triển.

Công an xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) kiểm tra camera an ninh của người dân lắp đặt tại lồng bè thả nuôi tôm cá trên vịnh Xuân Đài.

Công an xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) kiểm tra camera an ninh của người dân lắp đặt tại lồng bè thả nuôi tôm cá trên vịnh Xuân Đài.

Từ năm 2021 trở về trước đã có không ít vụ trộm tôm, cá phát sinh ven vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông. Thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp tôm, cá là đi thuyền thúng, xuồng chèo ra nơi có lồng bè thủy sản vào ban đêm hoặc thời điểm vắng người trông giữ, rồi lặn xuống đáy nước sử dụng kềm, kéo cắt lưới lồng nuôi để bắt tôm, cá.

Do tôm hùm, cá mú là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, nên mỗi vụ trộm khiến cho chủ nhân lồng bè bị thiệt ít nhất 5-10 triệu đồng, thậm chí có vụ mất trộm tôm hùm trị giá cả trăm triệu đồng. Những vụ trộm đột nhập lồng bè dưới đáy nước trong đầm, vịnh, nhiều trường hợp chậm phát hiện, ngoài vị trí lưới lồng bị cắt, hầu hết hiện trường đều không để lại dấu vết nào khác nên hoạt động điều tra, truy xét hành tung thủ phạm vấp phải không ít khó khăn.

Thượng tá Nguyễn Quang Luân, Phó trưởng Công an thị xã Sông Cầu cho biết, sau nhiều cuộc bàn thảo, tìm kiếm các biện pháp tăng cường bảo vệ ANTT nói chung và tôm cá thả nuôi trong lồng bè nói riêng, từ tháng 3/2023, lực lượng Công an đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai xây dựng mô hình “Vận động nhân dân lắp đặt camera an ninh bảo vệ tài sản nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài”.

Ban Chỉ đạo gồm 42 thành viên trực tiếp xuống các xã, phường phối hợp Công an, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động người dân lắp đặt camera tại các lồng bè thủy sản, đồng thời xác lập nhiều nhóm Zalo kết nối Công an các xã, phường để trao đổi thông tin, cảnh báo tình hình ANTT, tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật.

Xuân Phương là xã đầu tiên triển khai thực hiện mô hình, sau đó nhân rộng tại các xã, phường Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Yên, Xuân Thành. Đến nay đã có gần 1.000 “mắt thần” được người dân lắp đặt tại lồng bè thủy sản ven vịnh Xuân Đài, nhiều nhất là xã Xuân Phương và phường Xuân Thành. Hiệu quả rõ nét của mô hình này là giám sát lồng bè từ xa thông qua kết nối ứng dụng camera với điện thoại; số vụ trộm cắp tôm, cá năm 2023 và 6 tháng đầu năm nay giảm hơn 75% so với năm 2022.

Từ những hình ảnh trích xuất trên camera lồng bè thủy sản, Công an các xã, phường ven vịnh Xuân Đài đã cảnh báo, giáo dục 25 đối tượng nghi vấn mưu tính trộm cắp tôm, cá; người dân chủ động phòng, chống trộm cắp khi phát hiện dấu hiệu bất thường. Trong số 7 vụ trộm cắp đã được truy bắt thời gian kể trên, có vụ trộm cắp hơn 1.000 con tôm hùm 1 tháng tuổi của ông Lưu Đình Thanh đang thả nuôi trong lồng bè ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương đêm 22/6/2023.

“Mắt thần” tại các lồng bè đã hỗ trợ Công an thị xã Sông Cầu truy bắt thủ phạm là Nguyễn Chí Thân (SN 1992, trú ở thôn 3, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu). Gần đây nhất vào ngày 25/7/2024, Công an phường Xuân Thành đã trích xuất camera, lật tẩy hành tung Trần Ngọc Mau (SN 1990, trú ở thôn Chánh Bắc, phường Xuân Thành) đã hơn 10 lần bắt trộm tôm hùm trong lồng bè của ông Nguyễn Văn Hóa thả nuôi ở mũi Hòn Cò trong vịnh Xuân Đài.

Tiếp chuyện PV Báo CAND, Thiếu tá Trần Minh Nhẫn, Phó trưởng Công an xã Xuân Phương cho biết, địa bàn này trải dài ven vịnh Xuân Đài 17km, thu hút 1.191 hộ gia đình đầu tư hơn 38.000 lồng tôm, cá. Đến nay đã có 136 chủ nhân lồng bè lắp đặt 212 camera, hiện nay nhiều người dân đã nhận thấy hiệu quả mô hình nên tiếp tục lắp đặt thêm nhiều “mắt thần” để bảo vệ thủy sản.

Ông Trần Quốc Hùng, một người dân ở thôn Dân Phú 1, xã Xuân Phương bày tỏ, gia đình ông thả nuôi hơn 30.000 con tôm hùm trong 200 lồng, nhờ có camera nên việc giám sát và bảo vệ tài sản thuận tiện, kịp thời, hiệu quả và giảm thiểu chi phí.

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Luân, thị xã Sông Cầu đang nỗ lực phát triển lên thành phố trong năm 2025 với nhiều kế hoạch, chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đề án nuôi trồng thủy sản bền vững, xây dựng thương hiệu “Du lịch vịnh Xuân Đài” và chỉ dẫn địa lý “Tôm hùm Sông Cầu”.

Vì thế, Công an thị xã Sông Cầu tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng với người dân chung tay nhân rộng mô hình camera an ninh tại các vùng lồng bè thủy sản trên địa bàn thị xã từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Quá trình vận động phải giúp cho người dân nhận thấy quyền lợi của chính mình, để tạo sự đồng thuận cao, chủ động nâng cao hiệu quả bảo vệ ANTT, góp phần đổi mới và phát triển diện mạo đô thị Sông Cầu.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/hieu-qua-bao-ve-tai-san-bang-mat-than-tai-thu-phu-tom-hum-o-phu-yen-i740207/