Hiệu quả bắt đầu từ phòng ngừa
Tham nhũng, tiêu cực là vấn đề gây bức xúc đối với nhân dân. Hành vi này không chỉ làm méo mó quan hệ xã hội, gây thiệt hại tài sản nhà nước, mà nguy hại hơn là làm suy yếu bộ máy, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong thời gian qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt để xử lý.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2025, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố mới 1.776 vụ/4.038 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Cơ quan thanh tra, kiểm toán cũng đã vào cuộc một cách quyết liệt, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 9.533 tỷ đồng và 617ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 381 tập thể và 1.083 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 28 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định.
Những con số nêu trên cho thấy, mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có bước đột phá, nhưng vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý. Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí còn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công; đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực thực thi pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN
Việc xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, để công cuộc phòng, chống tham nhũng thật sự hiệu quả, cần kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, trong đó, việc phòng ngừa có ý nghĩa rất quan trọng.
Một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đó là phải hoàn thiện thể chế. Một hệ thống pháp luật hoàn thiện, chặt chẽ với chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe sẽ không có cơ hội cho những cán bộ suy thoái trục lợi cá nhân. Ngược lại, khi hệ thống pháp luật vẫn còn những “lỗ hổng”, những “điểm vênh” chính là kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để tham nhũng. Do đó, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý hoàn chỉnh là rất cần thiết, là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng tiêu cực.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 100 văn bản về xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Quốc hội đã sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, thông qua 38 luật, ban hành 45 nghị quyết; Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trên 300 nghị định, nghị quyết, chỉ thị, các bộ, ngành, địa phương ban hành hơn 3.277 văn bản... Việc ban hành khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật không chỉ là khung khổ pháp lý nhằm tạo không gian phát triển mới mà còn góp phần để phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, để nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, ngoài việc không ngừng nâng cao giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, tiếp tục thực hiện việc luân chuyển cán bộ ở những vị trí nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, thì việc sớm sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan là điều rất cần thiết.
Thực tế cũng cho thấy, một trong những vấn nạn “tham nhũng vặt” gây bức xúc trong nhân dân thời gian qua xuất phát từ các thủ tục hành chính rườm rà, quy định chồng chéo. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giải quyết các thủ tục hành chính, trong quá trình vận hành bộ máy mới hiện nay.
Cùng với đó, phải tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là công tác kiểm tra nội bộ; phải khắc phục cho được tình trạng kiểm tra nội bộ vốn luôn được đánh giá là “khâu yếu” thời gian qua. Đồng thời, phát huy hiệu quả công tác giám sát, thanh tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các sai phạm.
Xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là việc phải làm và cần thực hiện triệt để, không có vùng cấm. Mặc dù vậy, sẽ hiệu quả hơn là phải bắt đầu từ phòng ngừa. Có như vậy mới ngăn chặn sớm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tránh được sự thất thoát tài sản nhà nước, mất cán bộ; đặc biệt là xóa bỏ những lực cản đối với sự phát triển của đất nước và tiến bộ xã hội.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hieu-qua-bat-dau-tu-phong-ngua-10379219.html