Hiệu quả bất ngờ khi khách hàng chung tay dịch chuyển sản xuất sang giờ thấp điểm

Lãnh đạo EVN cho biết, đã có những hiệu quả tốt từ việc chung tay dịch chuyển sản xuất sang giờ thấp điểm (DR) từ các khách hàng sử dụng điện lớn.

Tăng trưởng cao hơn nhiều so với kế hoạch

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 124,25 tỷ kWh, tăng trưởng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn nhiều mức kịch bản cao nhất về cung cấp điện mà Bộ Công thương đã phê duyệt vào đầu năm (9,2%).

Sản lượng điện thương phẩm toàn Tập đoàn lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 14,67% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số lĩnh vực tăng cao như khối khách hàng sinh hoạt và khối thương mại - dịch vụ đều tăng 18,08%, điện năng cho khối công nghiệp - sản xuất tăng 12,15%...

Anh Nguyễn Duy Trọng (phải) chia sẻ về công nghệ trong quá trình kiểm toán năng lượng tại nhà máy sản xuất của Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An. Ảnh: Phương Loan.

Anh Nguyễn Duy Trọng (phải) chia sẻ về công nghệ trong quá trình kiểm toán năng lượng tại nhà máy sản xuất của Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An. Ảnh: Phương Loan.

Đặc biệt, theo lãnh đạo EVN, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương đã có mức tăng trưởng điện kỷ lục, nhất là khu vực miền Bắc. Đơn cử như vài tháng nắng nóng gần đây, Hà Nội tăng trưởng điện thương phẩm đạt hơn 22% (chủ yếu do điện sinh hoạt); Quảng Ninh tăng khoảng 30 %, trong đó điện cho công nghiệp tăng tới 42% - là tỉnh tăng cao nhất cả nước.

Dịch chuyển công suất đỉnh được 500-700 MW

Dù vậy, lãnh đạo EVN cho biết, đã có những hiệu quả tốt từ việc chung tay dịch chuyển sản xuất sang giờ thấp điểm (DR) từ các khách hàng sử dụng điện lớn và người dân.

Thực tế, lúc 13h30 ngày 27/4, công suất cực đại toàn quốc đã lên tới 47.670 MW, tăng 13,2 % so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng tiêu thụ toàn quốc đạt 993 triệu kWh. Trong khi đó ngày 29/5, sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày đã lên tới 1,019 tỷ kWh, thế nhưng công suất đỉnh chỉ ngưỡng 47.147MW. Tức là sản lượng điện tiêu thụ cao hơn nhưng công suất đỉnh lại thấp hơn.

Theo lãnh đạo EVN, sản lượng điện nhiều hơn nhưng công suất đỉnh thấp hơn là nhờ các doanh nghiệp, người dân chuyển dịch một phần công suất ra khỏi đỉnh. Ước lượng mức dịch chuyển được khoảng 500-700 MW.

"Đây là sự phối hợp của EVN, các đơn vị thành viên với các doanh nghiệp trọng điểm", ông Lâm nói và cho biết, đã có khoảng 13.000 doanh nghiệp sử dụng điện trên 1 triệu kWh đã phối hợp rất tốt trong việc dịch chuyển đỉnh của họ ra khỏi vùng công suất đỉnh của hệ thống điện.

Việc điều chỉnh tốt phụ tải giúp EVN giảm áp lực đầu tư nguồn điện. Ảnh. EVN.

Việc điều chỉnh tốt phụ tải giúp EVN giảm áp lực đầu tư nguồn điện. Ảnh. EVN.

Hiện có 3 đỉnh cao điểm tiêu thụ điện là từ 9-11h, 13-15h30 và 21-23h, ông Lâm cho rằng, nếu làm tốt công tác dịch chuyển phụ tải, biểu đồ phụ tải sẽ mềm mại, sẽ phẳng hơn.

Lãnh đạo EVN cũng lưu ý kế hoạch này cho khu vực miền Bắc, bởi khu vực này thường nắng nóng kéo dài 4-5 ngày, rất phức tạp trong việc đảm bảo lượng điện vì biên độ dao động chênh lệch rất lớn giữa mùa hè và mùa đông, như ở Hà Nội vào khoảng 40%.

Với thực tế dự báo tiêu thụ điện ở miền Bắc vẫn còn tiếp tục tăng lên, gia tăng áp lực về cung cấp điện trong những đợt nóng cao điểm có thể diễn ra thời gian tới, lãnh đạo EVN mong tiếp tục nhận được sự chia sẻ và hành động tích cực phối hợp của người dân và các khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm tiêu thụ điện.

Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, chỉ bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 26-27 độ trở lên; đồng thời chú ý không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm.

"Việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm cũng giảm thiểu nguy cơ sự cố về điện và hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao", EVN thông tin.

Ngoài việc tiết kiệm điện, EVN cũng chỉ đạo các Tổng công ty Phát điện và các nhà máy điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu như than, khí cho sản xuất điện.

Tiếp tục đàm phán để nhập khẩu điện từ Lào; chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các Tổng công ty Điện lực vận hành an toàn, tin cậy hệ thống lưới điện; chuẩn bị đủ vật tư thiết bị dự phòng. Chủ động phát hiện, khắc phục, ngăn ngừa sự cố, nâng cao độ tin cậy và giảm tổn thất điện năng; tăng cường giám sát và tuân thủ kỷ luật vận hành...

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hieu-qua-bat-ngo-khi-khach-hang-chung-tay-dich-chuyen-san-xuat-sang-gio-thap-diem-192240614152527045.htm