Hiệu quả bước đầu của mô hình 'Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em'
'Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em' được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3-2019, với 50 thành viên tham gia, trong đó có 25 thành viên nam và 25 thành viên là cán bộ, hội viên, phụ nữ tiêu biểu trong tiểu khu Ba Đình 2, thị trấn Nga Sơn (huyện Nga Sơn) có nguyện vọng tham gia. Sau thời gian thực hiện, mô hình đã có những hoạt động thiết thực, nâng cao kiến thức cho hội viên, nhân dân, tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em.
Tiểu phẩm “Lạm dụng lòng tin” được truyền thông tại thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn) nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tố giác các loại tội phạm, bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Chị Mai Thị Nguyệt là hội viên tiểu khu Ba Đình 2 không có được hạnh phúc trọn vẹn như bao người phụ nữ khác, bởi cách đây 7 năm, chị đã mất đi người con trai đang tuổi ăn, tuổi học. Nỗi đau bất ngờ quá lớn khiến chị bị suy sụp tinh thần và mắc chứng bệnh trầm cảm. Nhiều chị em hội viên, phụ nữ, hàng xóm, bạn bè đã động viên, chia sẻ giúp chị sớm nguôi ngoai nhưng cũng không cải thiện được mấy. Với phương châm hoạt động của mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, các thành viên nam, nữ tích cực của mô hình đã khéo léo cùng nhau tâm sự, vận động chị mạnh dạn tham gia sinh hoạt mô hình. Mưa dầm thấu sâu, dần dần chị Nguyệt cởi mở hơn với mọi người, tinh thần phấn khởi hơn, sức khỏe cũng được cải thiện nhiều, chị còn vui vẻ tham gia văn nghệ của chi hội khiến nhiều thành viên trong mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” cũng cảm thấy vui lây và càng có thêm động lực để hoạt động.
Chị Nguyệt là một trong những hộ dân được các thành viên của mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” thị trấn Nga Sơn giúp đỡ thành công. Mô hình bước đầu đã tạo được sự lan tỏa trong cách ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa của người dân. Đây là một trong 10 mô hình điểm do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh chỉ đạo điểm để nhân rộng. Nội dung hoạt động của mô hình làng quê an toàn là không bạo lực, không bị xâm hại, an toàn khi di chuyển, an toàn trong hôn nhân và cuộc sống gia đình, an toàn trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường... Tham gia mô hình, các thành viên được bồi dưỡng nhiều kiến thức liên quan đến các nội dung trên, đồng thời xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa; khuyến khích hội viên, phụ nữ và nhân dân chia sẻ các tình huống không an toàn; đặt hòm thư góp ý tại nhà văn hóa để tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các thành viên và cộng đồng dân cư...
Phát biểu tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của 10 mô hình điểm được Hội LHPN tỉnh tổ chức, đồng chí Trần Ngọc Phong, phó ban điều hành mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” thị trấn Nga Sơn cho biết: Tuy còn nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, nhưng các thành viên là nam giới luôn đồng hành cùng chị em “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, giác ngộ cho đối tượng là nam giới về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em... Là mô hình hoạt động của tổ chức hội phụ nữ, nhưng nam giới đã tham gia và đóng góp vai trò quan trọng trong hoạt động hiệu quả của mô hình và đã thu hút thêm 14 thành viên nam giới tham gia, nâng tổng số thành viên là nam giới lên 39 người. Qua đó, chúng tôi đã làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động. Nay trên địa bàn tiểu khu Ba Đình 2 đã lắp được 50 bóng đèn ở tất cả các đường, ngõ, ngách của khu dân cư; đả thông tư tưởng cho nhiều ông chồng sinh con một bề là con gái thay đổi nhận thức, thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ vợ con xây dựng gia đình hạnh phúc...
Đồng chí Dương Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Nga Sơn cho biết thêm: Thời gian thực hiện mô hình chưa dài, song nhận thức của hội viên và nhân dân về an toàn đối với phụ nữ và trẻ em trong tiểu khu Ba Đình 2 nói riêng, toàn thị trấn nói chung được nâng lên rõ rệt. Hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn chia sẻ kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình, chăm sóc bảo vệ, phát triển trẻ em; phòng chống xâm hại, bạo lực trong gia đình. Trong tiểu khu không xảy ra tình trạng bạo lực với phụ nữ, trẻ em. 100% trẻ em trong độ tuổi đều đi học, được quan tâm chăm sóc. Từ hiệu quả của mô hình, các chi hội khác cũng tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình trồng, chăm sóc tuyến đường hoa, giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khuôn viên, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn...
Với những kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” đã và đang góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động hội viên tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, các chương trình về bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em.
Bài và ảnh: Minh Trang