Hiệu quả bước đầu thực hiện Đề án thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh với người nước ngoài ở Nghĩa Hưng
Từ năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Rạng Đông (Nghĩa Hưng) triển khai
Từ năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Rạng Đông (Nghĩa Hưng) triển khai “Đề án thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh với người nước ngoài” với 73% học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 4 tham gia. Năm học 2019-2020, nhà trường có 98% học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 4 tham gia. Theo đánh giá của ban giám hiệu nhà trường, dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng chất lượng học tiếng Anh của học sinh đã có chuyển biến rõ rệt. Học sinh không chỉ đạt kết quả cao hơn trong học tập và tự tin giao tiếp với giáo viên nước ngoài mà các giáo viên người Việt cũng học tập trau dồi được nhiều kỹ năng mới. Chứng kiến một giờ học tiếng Anh của học sinh khối lớp 4, có thể cảm nhận thấy không khí sôi nổi, hào hứng của các em. Trong giờ học, giáo viên liên tục thay đổi phương pháp dạy, buộc học sinh phải sử dụng liên tục các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Quá trình thực hiện Đề án, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh về vai trò, tác dụng của học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Để tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được học, nhà trường đã huy động tài trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Nhà trường cũng sắp xếp thời khóa biểu học hợp lý, hài hòa giữa tiết học tiếng Anh do giáo viên nước ngoài dạy với các tiết tiếng Anh do giáo viên nhà trường dạy, đảm bảo không bị dồn nén chương trình, không gây quá tải đối với học sinh.
Tại Trường Tiểu học Nghĩa Bình, từ năm học 2018-2019 đến nay, nhà trường liên kết với Trung tâm ngoại ngữ E-connect để triển khai học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Về cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học, nhà trường đã chuẩn bị 2 phòng học ngoại ngữ được trang bị máy vi tính, máy chiếu, loa đài; trang bị tài liệu dạy, học ngoại ngữ cho phòng Thư viện gồm sách, báo, tạp chí tiếng nước ngoài; mua băng, đĩa, đài để phục vụ dạy nghe - nói tiếng Anh. Nhà trường chú trọng tìm chọn thầy, cô giáo nước ngoài nhiệt tình, thân thiện, có phương pháp sư phạm tốt, đặc biệt là có kinh nghiệm tổ chức các trò chơi trong lớp học nên học sinh rất hứng thú với các tiết học của giáo viên nước ngoài. Năm học 2019-2020, cả 16 lớp của trường với 425 học sinh đều tham gia học, tỷ lệ đạt 100%. Tất cả các tiết dạy đều có trợ giảng là giáo viên của trường.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2018-2019, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Hưng đã triển khai “Đề án thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông giai đoạn 2015-2020” tại một số trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn huyện với gần 3.000 học sinh tham gia học. Đề án được thực hiện với sự liên kết của Trung tâm ngoại ngữ E-connect. Theo đánh giá của các nhà trường, qua các buổi học, học sinh có khả năng nghe nói tốt hơn, mạnh dạn trong giao tiếp với người nước ngoài. Giáo viên nước ngoài giảng dạy nhiệt tình, có trách nhiệm, thân thiện với học sinh. Các trường có tỷ lệ học sinh tham gia đông như: Tiểu học Nghĩa Bình có 100% học sinh tham gia, Tiểu học Rạng Đông có 98,79%, Tiểu học Nghĩa Minh có 52,44%… Qua gần 2 năm học thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh với người nước ngoài đã bước đầu nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh ở một số trường trên địa bàn huyện. Các trường triển khai chương trình đã tăng cường năng lực tiếng Anh cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng nghe và nói, giúp học sinh tự tin, mạnh dạn sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, tham gia vào các hoạt động giao lưu, học tập, trải nghiệm, đồng thời giúp giáo viên các nhà trường giao lưu, trao đổi, học hỏi giáo viên tiếng Anh bản xứ để trau dồi năng lực tiếng Anh và phương pháp sư phạm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án còn gặp không ít khó khăn. Nhiều gia đình học sinh chưa quan tâm đầu tư cho con em học vì nghĩ chưa cần thiết. Với vùng nông thôn, mức đóng góp 25 nghìn đồng/1tiết học, 4 tiết học/tháng là cao. Trong quá trình học, giáo viên nói nhanh, các em chưa nghe kịp…
Để khắc phục khó khăn hạn chế, tiếp tục thực hiện Đề án, các trường đang tăng cường công tác tuyên truyền chia sẻ với phụ huynh về chủ trương, mục tiêu và các vấn đề phụ huynh quan tâm thông qua hội nghị phụ huynh toàn trường về việc học tiếng Anh với người nước ngoài. Bên cạnh đó, các trường tổ chức các hoạt động dạy Demo (dạy thử) để phụ huynh và nhà trường đánh giá. Các trường tham gia Đề án chủ động đề nghị Trung tâm tiếng Anh dạy miễn phí cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và có các hình thức khuyến khích học sinh tích cực học tập. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường tăng cường quản lý chuyên môn, chất lượng dạy học; bố trí các tiết dạy đều có trợ giảng là giáo viên người Việt. Đảm bảo huy động tối đa sự tham gia của học sinh vào các hoạt động học tập trên lớp, học sinh được thực hành nhiều hơn, quan tâm, bao quát các đối tượng học sinh trong lớp, đặc biệt là học sinh có nhận thức chậm, chưa tự giác. Một số trường tổ chức hoạt động dự giờ không báo trước để phát hiện những vấn đề cần điều chỉnh và góp ý kịp thời với giáo viên nước ngoài; phân tích đánh giá chất lượng, kết quả học tập qua tinh thần, thái độ học tập của học sinh và kết quả các bài kiểm tra khảo sát./.
Bài và ảnh: Minh Thuận