Hiệu quả bước đầu thực hiện phiên tòa xét xử trực tuyến
Qua việc Tòa án Nhân dân (TAND) 2 cấp trong tỉnh tổ chức những phiên tòa trực tuyến đầu tiên, dù giữa quy định và thực tế áp dụng phát sinh những tình huống khác nhau, nhưng nhìn chung các phiên tòa diễn ra suôn sẻ, rút ra được một số kinh nghiệm để những phiên tòa sau đạt hiệu quả cao hơn.
Tòa án Nhân dân huyện Ngọc Lặc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, kết nối với điểm cầu thành phần là Nhà tạm giữ Công an huyện.
TAND huyện Ngọc Lặc vừa tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, kết nối với điểm cầu thành phần là Nhà tạm giữ Công an huyện. Trong 5 vụ án hình sự sơ thẩm đơn vị đưa ra xét xử lần này có 2 vụ trộm cắp tài sản, 3 vụ mua bán trái phép chất ma túy. Tại phiên tòa, các cơ quan tố tụng đã tiến hành đầy đủ thủ tục theo quy định, bị cáo có mặt đúng giờ, nghe và trả lời rõ câu hỏi, yêu cầu của Hội đồng xét xử. Phiên tòa diễn ra trong không khí trang nghiêm, trật tự. Cán bộ kỹ thuật thường trực để kịp thời xử lý tình huống phát sinh. Sau khi xem xét toàn diện nội dung các vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo những bản án thích đáng.
Chánh án TAND huyện Ngọc Lặc Lê Xuân Vinh cho biết: Đây là lần đầu tiên TAND huyện Ngọc Lặc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo tinh thần Nghị quyết số 33/2021/QH15, ngày 12-11-2021 Quốc hội khóa XV. Để tổ chức các phiên tòa trực tuyến, đơn vị đã lên kế hoạch từ trước, lựa chọn những vụ án thích hợp để đưa ra xét xử nên các phiên tòa đều diễn ra trang nghiêm, không khác gì so với phiên tòa các bị cáo có mặt tại Hội trường xét xử của tòa án. Việc kết nối trực tuyến giữa điểm cầu trung tâm là trụ sở tòa án với điểm cầu thành phần cho phép bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia đầy đủ các trình tự, thủ tục tố tụng. Toàn bộ quá trình xét xử được ghi âm, ghi hình và lưu giữ, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền giám sát, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, TAND tỉnh và TAND các huyện, thị xã, thành phố đã khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, tổ chức tốt các phiên tòa xét xử trực tuyến. Trước khi các phiên xử trực tuyến diễn ra, TAND các cấp đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai lắp đặt thiết bị, kiểm tra đường truyền tín hiệu.
Theo Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Nga, việc thực hiện các phiên tòa trực tuyến bảo đảm không trích xuất bị cáo từ nhà tạm giữ huyện hay tỉnh để tham gia phiên tòa, từ đó tiết kiệm được chi phí trích xuất, dẫn giải và bảo vệ phiên tòa, bảo đảm được thời gian xét xử. Bên cạnh đó, mặc dù tổ chức các phiên tòa bằng hình thức trực tuyến nhưng trong quá trình tổ chức xét xử vẫn phải bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, tôn trọng quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng tại các vụ án.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, hình thức xét xử này vẫn còn những khó khăn phát sinh trên thực tế. Cụ thể, do mới thực hiện nên tòa án các cấp gặp một số lúng túng như lựa chọn vụ án nào phù hợp để xét xử theo hình thức trực tuyến. Mặt khác, cán bộ kỹ thuật là thư ký tòa án kiêm nhiệm, không có chuyên môn về công nghệ thông tin; đường truyền đôi lúc thiếu ổn định; máy móc, cơ sở vật chất còn thiếu, nhiều cơ quan không có phòng xét xử trực tuyến riêng, phải trưng dụng phòng lấy lời khai...
Thời gian tới, TAND các cấp tiếp tục đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị trong việc mua sắm trang thiết bị để tổ chức phiên tòa trực tuyến, đồng thời phối hợp với các cơ quan tố tụng lựa chọn vụ án, tài liệu, chứng cứ để đưa vụ án ra xét xử. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng sử dụng các phương tiện, kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ trong xét xử cho cán bộ tòa án nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức phiên tòa trực tuyến...