Hiệu quả bước đầu trong thực hiện cơ chế tự chủ bệnh viện

Ngành y tế đã và đang từng bước triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong quá trình đổi mới, sắp xếp lại tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. Bên cạnh đó, ngành đã quyết liệt chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn tỉnh thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Thực hiện tự chủ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chủ động xây dựng các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Ảnh: Tô Hà

Tháng 7-2018, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập thuộc tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018-2020 với mục tiêu xác định cơ chế thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy, giường bệnh, biên chế và tài chính của các bệnh viện công lập nhằm tăng quy mô giường bệnh, nâng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân và tỷ lệ bác sĩ/vạn dân lên cao hơn mức bình quân chung của cả nước, giảm dần kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với các bệnh viện; ưu tiên dành nguồn kinh phí chi từ ngân sách Nhà nước sang mục tiêu đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Thực hiện lộ trình, ngành y tế đã và đang từng bước triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong quá trình đổi mới, sắp xếp lại tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. Bên cạnh đó, ngành đã quyết liệt chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn tỉnh thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) bằng nhiều giải pháp; chỉ đạo thường xuyên tổ chức lấy ý kiến thăm dò sự hài lòng của người bệnh và người nhà bệnh nhân; đánh giá chất lượng bệnh viện thông qua các tiêu chí chấm điểm công khai, minh bạch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chi phí; không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, đổi mới quy trình tiếp đón, hướng dẫn người bệnh; thành lập tổ, phòng công tác xã hội trong các bệnh viện nhằm kịp thời giải quyết vướng mắc cho người bệnh trong quá trình khám, điều trị... Song song với đó, các bệnh viện tăng cường nâng cao chất lượng KCB, phát triển các kỹ thuật chuyên môn đáp ứng nhu cầu KCB chất lượng cao ngay từ tuyến dưới. Những cố gắng của ngành y tế đã được người dân ghi nhận, bởi sự hài lòng của người bệnh, bởi những dòng thư, những tình cảm của bệnh nhân sau khi ra viện ngày một nhiều thêm.

Từ tháng 8-2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt quy mô giường bệnh và số người làm việc theo cơ chế tự chủ. Theo đó, quy mô giường bệnh của bệnh viện được tăng từ 800 lên 1.200 giường bệnh. Đến nay, bệnh viện đã tuyển dụng thêm các bác sĩ bổ sung vào các vị trí còn thiếu của các chuyên ngành và đang tiếp tục tuyển dụng thêm đội ngũ điều dưỡng và nhân viên y tế để bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để bệnh viện năng động hơn trong việc mở rộng cũng như khai thác các dịch vụ đáp ứng theo nhu cầu xã hội và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu người dân.

Thầy thuốc Ưu tú, BSCKII Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Từ nhiều năm nay, lãnh đạo bệnh viện đã xác định tiến tới tự chủ tài chính là quá trình tất yếu, giúp bệnh viện phát triển trên mọi bình diện. Bệnh viện đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu khi thực hiện tự chủ. Với khẩu hiệu “Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, “Đổi mới cơ chế phục vụ, phát triển mạnh y tế chuyên sâu” mục tiêu hướng tới phục vụ theo nhu cầu người bệnh, bên cạnh sự đầu tư của tỉnh, bệnh viện chủ động thực hiện xã hội hóa nhằm bổ sung trang thiết bị y tế, triển khai nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bệnh viện; thực hiện sắp xếp lại khoa, phòng; nâng cao y đức, chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới tác phong, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ trong toàn đơn vị. Bên cạnh đó, bệnh viện chủ động xây dựng các kế hoạch để từng bước tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực và trang thiết bị hiện đại để có thể triển khai thêm nhiều kỹ thuật y khoa cao, chuyên sâu, hiện đại, đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân.

Tại tuyến huyện, sau một thời gian thực hiện, hầu hết các bệnh viện đã có bước chuyển từ tư duy phục vụ sang tư duy cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người bệnh; nhiều bệnh viện đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bệnh viện về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Cơ chế tự chủ cũng mở ra cơ hội để bệnh viện kêu gọi xã hội hóa, tuyển dụng viên chức, người lao động và chủ động trong việc mua sắm trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng bệnh viện. Đặc biệt thực hiện cơ chế tự chủ, nhiều bệnh viện đã và đang tiến tới việc trả lương theo năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng.

Trao đổi với ông Hà Minh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định, được biết: Thực hiện lộ trình tự chủ, bệnh viện sẽ tuyển dụng hơn 130 viên chức, lao động phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiền lương chi trả cho số viên chức, người lao động là hoàn toàn từ nguồn của bệnh viện. Vì thế, từ tháng 1-2019, bệnh viện đã triển khai việc chấm điểm cho từng vị trí công việc để xác định mức thu nhập tăng thêm của cán bộ, viên chức, người lao động. Tùy theo vị trí việc làm và mức độ hoàn thành công việc, mỗi người sẽ có mức thu nhập tăng thêm ngoài lương từ 1,5 - 7 triệu đồng mỗi tháng. Riêng đối với bác sĩ, bệnh viện còn xây dựng chế độ khuyến khích riêng theo năng lực. Chính những đổi mới này đã có tác động rất lớn đối với việc thúc đẩy lao động và tạo công bằng trong lao động.

Trao quyền tự chủ cho các đơn vị KCB được coi là một chính sách quan trọng và là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành y tế để phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng KCB. Cốt yếu là phải thay đổi trong suy nghĩ và hành động của cả lãnh đạo bệnh viện cũng như nhân viên y tế, phải coi người bệnh là khách hàng của mình. Nếu bệnh viện phục vụ không tốt, nhân viên y tế phục vụ không chu đáo thì người dân sẽ lựa chọn KCB ở một bệnh viện khác. Bởi hiện nay, ở tuyến huyện, những người có thẻ BHYT có thể đến bất cứ bệnh viện nào trong cùng tuyến và từ năm 2021 sẽ liên thông tuyến tỉnh. Khi bệnh nhân không đến nữa thì sẽ không có nguồn thu và bệnh viện càng rơi vào khó khăn.

Theo lộ trình mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh đạt tỷ lệ 31,2 giường bệnh/vạn dân; 10 bác sĩ/vạn dân; có ít nhất 3 bệnh viện thực hiện tự chủ 100% về chi thường xuyên; 2 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 80% đến 90% về chi thường xuyên; 8 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 70% đến 80% về chi thường xuyên; 22 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 60% đến 70% về chi thường xuyên; 2 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 50% đến 60% về chi thường xuyên. Các bệnh viện tự chủ 100% về chi thường xuyên đối với số giường bệnh tăng thêm thực hiện theo cơ chế tự chủ. Muốn tồn tại, các bệnh viện phải phát triển bền vững, nỗ lực rất nhiều trong tất cả các hoạt động từ công tác quản lý, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng KCB, tạo thương hiệu cho chính bệnh viện mình, tạo ra sự cạnh tranh giữa các bệnh viện với nhau. Đây chính là động lực để các bệnh viện thi đua phát triển và người bệnh cũng có nhiều cơ hội để lựa chọn cho mình những nơi KCB tốt hơn.

Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/hieu-qua-buoc-dau-trong-thuc-hien-nbsp-co-che-tu-chu-benh-vien/107066.htm