Hiệu quả các chương trình ủy thác tín dụng
Thời gian qua, các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ nhận ủy thác tín dụng từ các ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng triển khai thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao hàng năm; duy trì, đảm bảo chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác và hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, trong hoạt động tín dụng, các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp các cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương và các tổ chức CT-XH tuyên truyền các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, cơ chế, chính sách cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, các chi nhánh ngân hàng: Chính sách xã hội, NN&PTNT, Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phối hợp với Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh Đoàn... làm tốt công tác ủy thác tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao đời sống người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nổi bật là Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT tỉnh đã ký kết với Hội LHPN tỉnh ủy thác cho phụ nữ và phụ nữ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo từ nhiều năm qua. Việc ký kết có ý nghĩa quan trọng, tạo ra cơ chế hoạt động phối hợp vì một mục tiêu có ý nghĩa chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc, đồng thời mở ra cơ hội cho những phụ nữ nghèo chăm chỉ, cần cù sớm thoát khỏi nghèo đói, cải thiện đời sống.
Bên cạnh đó, phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các thủ tục vay vốn đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; triển khai kịp thời văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến hoạt động ủy thác, các chính sách tín dụng mới, bổ sung, sửa đổi, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số về sản phẩm cho vay, sản phẩm dịch vụ của ngân hàng; ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại di động cho hội, đoàn thể các cấp; kịp thời phổ biến, triển khai đến hội, đoàn thể cấp xã kết quả phê duyệt cho vay, dư nợ đến hạn...
Theo đó, kết quả hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tính đến ngày 30/4 có 646 tổ chức CT-XH các cấp nhận ủy thác cho vay, tiền gửi tổ viên tổ TK&VV đạt 118 tỷ đồng, chiếm 2,7%/tổng dư nợ ủy thác; tổng dư nợ ủy thác đạt 4.420 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ, trong đó, Hội LHPN dư nợ 1.214 tỷ đồng, chiếm 27,5% thị phần.
Đối với Agribank và LienVietPostBank, tính đến ngày 30/4, tổng dư nợ cho vay qua tổ vay vốn đạt 3.901 tỷ đồng, 1.622 tổ với 38.356 thành viên. Trong đó, tổng dư nợ cho vay qua tổ vay vốn tại Agribank đạt 3.854 tỷ đồng, 1.464 tổ với 36.815 thành viên (riêng Hội LHPN dư nợ cho vay đạt 534 tỷ đồng, với 189 tổ vay vốn và 4.669 thành viên); tại LienVietPostBank tổng dư nợ đạt 47,1 tỷ đồng với 158 tổ vay vốn và 1.541 thành viên (riêng Hội LHPN dư nợ cho vay đạt trên 17 tỷ đồng với 40 tổ vay vốn và 584 thành viên).
Theo đồng chí Ngô Quang Lợi, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh tỉnh, trong thời gian tới, để tổ chức thực hiện tốt các nội dung phối hợp trong chương trình kế hoạch đã đề ra, ngành ngân hàng thường xuyên phản ánh, trao đổi, nắm bắt thông tin tình hình, chất lượng hoạt động ủy thác của hội, đoàn thể, tổ nhóm các cấp trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức CT-XH trong quá trình vay vốn, nhằm giúp hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; chỉ đạo, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy trình nghiệp vụ, quy định cho vay, sử dụng vốn vay của khách hàng. Tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin về các giải pháp, cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh công tác ủy thác cho vay với các tổ chức CT-XH ở địa phương…