Hiệu quả các đột phá chiến lược

Năm 2025, kinh tế Việt Nam với quyết tâm tăng tốc, bứt phá, tạo tiền đề tăng trưởng cao trong giai đoạn tiếp theo, dự báo tăng trưởng với 3 kịch bản.

Trong đó kịch bản cơ sở (xác suất 60%) có thể đạt mức 8%.

Kịch bản này dựa trên đà phục hồi tăng trưởng toàn cầu và tiếp nối đà tăng trưởng cao của năm 2024; với quyết tâm đột phá thể chế, tiến hành cách mạng về tinh gọn bộ máy, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố mạnh mẽ. Các động lực tăng trưởng cả truyền thống và mới được phát huy, khai thác hiệu quả cao hơn. Ổn định vĩ mô được giữ vững, các cân đối lớn được bảo đảm. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 12%; đầu tư công và tư nhân, tiêu dùng tăng cao hơn từ 10%-12% so với năm ngoái; kinh tế số chiếm khoảng 16%-18% GDP…

Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2025, cần tiếp tục đột phá về thể chế, tinh gọn bộ máy; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, nhất là lãng phí, tập trung vào 5 lĩnh vực đất đai, bất động sản, tài sản công, đầu tư công và tài nguyên; thực thi cơ chế, chính sách đột phá để xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức có đủ tâm và tầm, trách nhiệm cao cùng tiến trình cải cách tiền lương, cơ chế, chính sách tạo động lực, bảo vệ cán bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả 5 đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực - đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ chuyển đổi số, chống lãng phí. Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh nhằm kịp thời tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về pháp lý, hoàn thuế GTGT, định giá đất, tiếp cận đất đai, vốn. Sớm hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng như cơ chế thử nghiệm (sandbox)… Đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số và năng lượng sạch.

Đặc biệt, cần tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư - nhất là đầu tư tư nhân, đầu tư công và tiêu dùng. Khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp mới như chip bán dẫn, AI, chuỗi khối, vật liệu mới... Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thông qua triển khai hiệu quả các chính sách về giãn, hoãn, giảm thuế, phí.

Nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách - nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác. Theo đó, chính sách tài khóa tiếp tục giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu.

Cần chú trọng đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Xây dựng chiến lược và giải pháp cụ thể nhằm tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước.

TS Cấn Văn Lực
(thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ quốc gia)

Theo Thái Phương ghi (NLĐO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/hieu-qua-cac-dot-pha-chien-luoc-post310210.html