Hiệu quả các mô hình tích tụ ruộng đất
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về 'Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030' đã mở ra cơ hội cho người dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều mô hình sản xuất dưa trong nhà lưới ở xã Nga Yên (Nga Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ tích tụ ruộng đất, ông Mai Văn Hào, xóm Trung Thành, xã Nga Thành (Nga Sơn) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới rộng hơn 1.000m2 cùng với các trang thiết bị phụ trợ và hệ thống phun tưới tự động khác. Mô hình của ông chủ yếu trồng các loại dưa vàng, dưa chuột áp dụng công nghệ cao. Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của ông Hào không chỉ thay đổi cách làm truyền thống mà còn cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Mai Văn Hào, cho biết: So với trồng dưa ở ngoài đồng thì trồng dưa trong nhà lưới công nghệ cao tốn ít công chăm sóc, quả dưa to đẹp và chất lượng ngon hơn nên được thị trường ưa chuộng. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu hoạch hơn 10 tấn dưa các loại, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 200 triệu đồng/năm.
Triển khai thực hiện việc tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, huyện Nga Sơn đã rà soát, định hướng vùng sản xuất, xác định diện tích cần chuyển đổi sang mô hình trang trại, vùng chuyên màu, lúa màu sang cây trồng ngắn hạn, vùng cói khó nguồn nước sang nuôi trồng thủy hải sản. Đến nay, toàn huyện Nga Sơn đã dồn đổi, tích tụ đất đai được gần 500 ha tập trung ở các xã Nga Tiến, Nga Lĩnh, Nga Nhân, Nga Trung, Nga Bạch, Nga Thanh... Diện tích đất được dồn đổi, tích tụ được các cá nhân, doanh nghiệp, HTX đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, như: Mô hình thâm canh cây dưa hấu tại xã Nga Trung lãi khoảng 120 triệu đồng/ha/vụ; mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản tại xã Nga Tiến lợi nhuận 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm...
Tại huyện Yên Định, nhờ thực hiện tích tụ ruộng đất, người dân và doanh nghiệp đã liên kết duy trì thực hiện các mô hình sản xuất 500 ha lúa gạo an toàn, 1.200 ha ớt xuất khẩu, 40 ha rau an toàn, 60 ha bưởi Diễn, 150 ha ngô ngọt tại các xã Định Tường, Quý Lộc, Yên Thái... Đồng thời, chuyển đổi hơn 529,9 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao và xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp, trồng trọt chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Ông Trịnh Xuân Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Định, cho biết: Thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, UBND huyện đã có quyết định về việc giao chỉ tiêu, kế hoạch tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao năm 2020 với tổng diện tích 1.100 ha để các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Theo đó, các xã, thị trấn đang tích cực rà soát diện tích đất sản xuất hiện có và xây dựng kế hoạch tích tụ đất đai để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu đầu tư. Khuyến khích các hộ sản xuất góp đất liên kết tạo thành vùng sản xuất lớn. Tiếp tục kêu gọi thu hút doanh nghiệp liên kết đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 51 doanh nghiệp tham gia tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp với diện tích đất tích tụ 3.177,9 ha. 11 HTX tham gia tích tụ đất nông nghiệp, sản xuất chủ yếu rau màu các loại thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, có 5.861 hộ gia đình, cá nhân tham gia tích tụ đất đai xây dựng các mô hình trang trại, gia trại và nuôi trồng thủy sản. Thông qua tích tụ ruộng đất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế đạt cao. Trong sản xuất trồng trọt tăng từ 1,5 – 1,7 lần so với sản xuất thông thường; sản xuất thủy sản tăng 30% so với trước khi tích tụ ruộng đất. Từ kết quả đạt được trong việc tích tụ ruộng đất đã góp phần tích cực trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có quy mô tập trung, gắn với cơ giới hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/hieu-qua-cac-mo-hinh-tich-tu-ruong-dat/111732.htm