Hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Tủa Chùa

Nhờ làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, mỗi năm nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Tủa Chùa được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả hàng tỷ đồng. Từ nguồn tiền này, các thôn, bản có thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới; các chủ rừng có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tạo sinh kế bền vững từ rừng.

Từ khi có nhà văn hóa mới, các hoạt động của thôn Đề Chu được triển khai sôi nổi, tích cực hơn.

Từ khi có nhà văn hóa mới, các hoạt động của thôn Đề Chu được triển khai sôi nổi, tích cực hơn.

Vợ chồng anh Sùng Dũng Cha, thôn Háng Sung 1, xã Tả Phìn vừa được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng nhờ việc chăm sóc và bảo vệ tốt hơn 10ha rừng của vợ chồng anh trong năm 2023. Anh Sùng Dũng Cha chia sẻ: Công sức tham gia quản lý, bảo vệ rừng được trả xứng đáng, nên không chỉ riêng tôi mà nhiều chủ rừng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ai cũng vui mừng, phấn khởi. Dù số tiền được nhận không lớn, nhưng vợ chồng tôi cũng đã có kế hoạch để sử dụng hiệu quả. Hiện gia đình tôi đang chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế, số tiền này sẽ được sử dụng để cải tạo, sửa chữa chuồng nuôi nhốt kiên cố, rộng rãi hơn.

Cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp thêm nguồn lực để nhiều hộ gia đình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở Tủa Chùa cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Không dừng lại ở đó, nhiều cộng đồng dân cư sau khi được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng đã cùng nhau thống nhất trích một phần tiền đóng góp để làm đường thôn, sửa đường bản, sửa ống nước và làm nhà văn hóa…

Nhà văn hóa thôn Đề Chu, xã Tủa Thàng có diện tích hơn 100m2, nằm trong khuôn viên rộng khoảng 500m2. Bên trong nhà văn hóa được láng nền xi măng, có bục sân khấu, lợp tôn, xốp chống nóng và bố trí nhiều thiết bị văn hóa như: Tăng âm loa đài, trang trí khánh tiết, bàn, ghế phục vụ nhân dân trong thôn. Được biết, để xây dựng công trình nhà văn hóa này, người dân thôn Đề Chu đã họp bàn, thống nhất trích 71 triệu đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả.

Việc triển khai hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần cải thiện diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Tủa Chùa.

Việc triển khai hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần cải thiện diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Tủa Chùa.

Ông Thào A Sự, trưởng thôn Đề Chu cho hay: Trước năm 2019, khi chưa có nhà văn hóa, mọi hoạt động của nhân dân thôn Đề Chu, như là: Họp thôn, ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư đều phải mượn lớp học hoặc tổ chức tại nhà trưởng thôn. Thế nhưng các hoạt động ấy không thật sự trọn vẹn, vì dân trong thôn đông, trong khi không gian tổ chức chật hẹp nên nhiều khi muốn cho toàn thể người dân của thôn chung vui mà chúng tôi “lực bất tòng tâm”.

Cuối năm 2019, đầu năm 2020, với nguyện vọng thiết tha sớm có nhà văn hóa làm nơi hội họp chung, người dân thôn Đề Chu đã đồng lòng nhất trí trích 71 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng của thôn để làm nhà văn hóa. Ngày khởi công xây dựng nhà văn hóa, người trong bản đều bảo nhau mỗi người một việc, người san nền, người trộn bê tông, người có tay nghề thì đảm đương phần xây dựng... cùng nhau làm việc để hoàn thành nhà văn hóa thôn. Từ khi có nhà văn hóa mới, các hoạt động chung của thôn được triển khai sôi nổi, người dân cũng tích cực tham gia hơn.

Trưởng thôn Đề Chu Thào A Sự phấn khởi khoe: Được hưởng lợi từ rừng, nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân trong thôn ai cũng ý thức hơn trong việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, cộng đồng thôn Đề Chu đang nhận quản lý, bảo vệ hơn 766ha rừng. Riêng năm 2023, cả thôn đã được chi trả hơn 400 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Cán bộ Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền môi trường rừng tại xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa.

Cán bộ Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền môi trường rừng tại xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa.

Không riêng tại thôn Đề Chu, những năm qua, chủ rừng là cộng đồng trên địa bàn 5 xã của huyện Tủa Chùa, gồm: Mường Đun, Tủa Thàng, Tả Phìn, Xá Nhè, Mường Báng đã trích gần 242 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng để làm mới, sửa chữa 15 công trình phục vụ cộng đồng. Trong đó, chủ rừng ở xã Tủa Thàng làm được 5 công trình; xã Tả Phìn làm được 4 công trình; xã Xá Nhè làm được 3 công trình, xã Mường Báng làm được 2 công trình và xã Mường Đun làm được 1 công trình. Các công trình sau khi được sửa chữa, làm mới tạo nhiều thuận lợi trong sinh hoạt của bà con nhân dân. Và hơn hết, nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động mạnh mẽ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn huyện. Người dân được hưởng các chế độ hỗ trợ đã nêu cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Nhất là ý thức khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng tái sinh tại các khu vực nương cũ không canh tác từ 5 - 7 năm để hưởng dịch vụ môi trường rừng.

Thông tin từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, tại huyện Tủa Chùa, Quỹ đã chi trả số tiền hơn 6,2 tỷ đồng cho các chủ rừng. Trước đó, năm 2023, Quỹ cũng đã chi trả gần 15 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng của năm 2022 và tạm ứng năm 2023 cho 670 chủ rừng. Cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo công ăn, việc làm, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ diện tích rừng tái sinh. Cũng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, sẽ có thêm nhiều công trình được sửa chữa, xây dựng, phục vụ cộng đồng, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/moi%20truong%20rung/219799/hieu-qua-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung-o-tua-chua