Hiệu quả chưa như kỳ vọng
ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có gần 695.000ha đất lâm nghiệp, gồm: Trên 338.000ha đất lâm nghiệp có rừng và trên 356,5ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững gắn với sinh kế cho người dân từ nghề rừng, những năm qua, Ðảng, Nhà nước và tỉnh đã triển khai nhiều chính sách liên quan đến giao khoán, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, vẫn tồn tại nhiều bất cập khiến hiệu quả chưa cao; đặc biệt định mức nguồn vốn giao khoán, bảo vệ rừng chi trả cho các chủ rừng còn thấp, chưa thực sự thu hút được người dân tham gia…
Thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng và Kế hoạch 388/KH-UBND ngày 20/2/2013 của UBND tỉnh về rà soát, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015, toàn tỉnh có 4.639 tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hơn 328.000ha (gồm 6 tổ chức là các Ban Quản lý rừng phòng hộ và Công an tỉnh; còn lại là giao khoán cho các cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân bảo vệ, như: Huyện Ðiện Biên Ðông có 1.337 cộng đồng, hộ gia đình được giao khoán bảo vệ gần 53.000ha; huyện Tuần Giáo giao cho 992 cộng đồng, hộ gia đình bảo vệ hơn 27.000ha rừng…). Nhờ thực hiện tốt chính sách giao khoán bảo vệ rừng đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sống từ nghề rừng. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; hạn chế tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương và các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp… Tuy nhiên, bên cạnh đó việc thực hiện chính sách giao khoán rừng vẫn còn nhiều bất cập, khiến công tác quản lý và bảo vệ rừng chưa hiệu quả như kỳ vọng. Cụ thể, trong quá trình giao đất, giao rừng ở một số nơi chưa chặt chẽ đã làm phát sinh mâu thuẫn về đất đai giữa các cộng đồng giáp ranh; tình trạng trùng lặp về lô, khoảnh, tiểu khu đối với một số diện tích giao khoán. Việc giao đất, giao rừng cho nhóm hộ gia đình chưa đảm bảo quyền lợi về chi trả dịch vụ môi trường rừng giữa các hộ nên xảy ra tình trạng người dân muốn chia tách riêng cho từng hộ quản lý và hưởng lợi... Vì vậy, sau khi kiểm tra, rà soát trên thực địa thì một số nơi giao không đúng thực địa với tổng diện tích hơn 8.400ha.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia là do định mức, kinh phí đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng thấp, chưa đảm bảo mức sống để người dân bỏ hẳn làm nương chuyển sang trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Cụ thể, theo Nghị định 75 của Chính phủ quy định quyền lợi và trách nhiệm của người nhận khoán được hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm. Ðây là mức hỗ trợ chưa thực sự giúp người dân yên tâm sinh sống, chăm sóc và bảo vệ rừng. Ðiển hình năm 2016, tại bản Nậm Chua 4, xã Nậm Chua (huyện Nậm Pồ), người dân không nhận giao khoán, bảo vệ rừng. Qua tìm hiểu được biết, ngoài nguyên nhân về định mức chi trả cho quản lý và bảo vệ rừng thấp thì nguyên nhân khác là rừng giao cho cộng đồng bản Nậm Chua 4 hiện nay không còn, diện tích rừng hiện có là do một số hộ dân tự quản lý, bảo vệ để bảo vệ nguồn nước sản xuất nông nghiệp.
Ðịnh mức chi trả cho người dân khi tham gia quản lý, bảo vệ rừng thấp còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận động, tuyên truyền người dân trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng theo kế hoạch hàng năm. Thực tế, những năm qua tại nhiều địa phương khi vận động người dân trồng rừng, chăm sóc và khoanh nuôi tái sinh rừng đạt kết quả thấp; một số địa phương nhiều năm liên tiếp không hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu trồng rừng được giao, như các huyện: Ðiện Biên Ðông; Tuần Giáo; Mường Chà… Theo ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) thì định mức hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên và bảo vệ rừng 400.000 đồng/ha/năm còn thấp, không đảm bảo cuộc sống từ rừng nên người dân không đồng ý bỏ đất nương để trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, chu kỳ sản xuất lâm nghiệp dài, nhưng giá thu mua gỗ thấp (khoảng 250 - 300 nghìn đồng/m3), vì vậy chưa thu hút được người dân tham gia.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/171356/hieu-qua-chua-nhu-ky-vong