Hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp
Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành gần 20 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hơn 27 doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) tham gia. Các mô hình, dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ớt ở xã Hòa An (Chiêm Hóa) là minh chứng cho thấy hiệu quả của việc “bắt tay”, phối hợp sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn xã. Gia đình bà Lương Thị Thơm, thôn Pá Tao, xã Hòa An trồng 5 sào ớt, sản lượng ước đạt 0,6 tấn/sào. Bà Thơm cho biết, năm 2022, bà tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ớt do UBND xã thực hiện. Tham gia mô hình liên kết bà được hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật và đặc biệt được công ty bao tiêu sản phẩm nên bà rất yên tâm. Diện tích ớt của gia đình hiện đã thu hoạch được hơn 3 tấn, với giá thu mua 7.000 - 10.000 đồng/kg. Uớc tính vụ ớt này bà Thơm thu lãi hơn 15 triệu đồng.
Đồng chí Hứa Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An cho biết, trước đây, đồng đất ở Hòa An người dân chỉ trồng lúa, ngô, rau màu, giá trị kinh tế không cao, nhiều hộ bỏ đất hoang. Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và cây ớt là một trong những cây trồng được lựa chọn. Hiện xã đã mở rộng diện tích trồng gần 30 ha ớt, tập trung ở thôn Pá Tao, Chắng Thượng, Tông Muông, Nà Lừa... Toàn bộ diện tích này đang cho thu hoạch, dự kiến sản lượng đạt 20 tấn/ha, trung bình doanh thu đạt trên 250 triệu đồng/vụ/ha. Ớt được UBND xã phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp xanh huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình và Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa, tỉnh Hải Dương ký hợp đồng liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm nên tạo sự yên tâm cho bà con.
Không chỉ các địa phương, doanh nghiệp, mà các HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh, cùng “bắt tay” với người nông dân để nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Đơn cử như HTX nuôi ong Phong Thổ, xã An Khang (TP Tuyên Quang) đã thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Thái Bình (Yên Sơn). Ông Trần Xuân Phong, Giám đốc HTX nuôi ong Phong Thổ cho biết, để thực hiện hiệu quả các khâu liên kết, HTX cung ứng giống, vật tư chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, đồng thời ký hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm mật ong cho các hộ theo giá thị trường. Đến nay, HTX đã nhân rộng quy mô 900 đàn/18 hộ tham gia, sản lượng mật ong đạt 12-14 lít/đàn/năm, doanh thu bình quân đạt trên 130 triệu đồng/hộ/năm. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, phát triển thêm các dịch vụ để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Thời gian qua, tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển HTX, xây dựng sản xuất tập trung… đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống, trong đó cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân. Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và sản phẩm nông sản của nông dân, đời sống được nâng lên.
Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp, HTX thực hiện chuỗi liên kết sản xuất để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh sản xuất và giúp người dân địa phương tiêu thụ nông sản. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các HTX được tiếp cận các chính sách liên quan khác, như vốn, khoa học - kỹ thuật, lồng ghép các nguồn kinh phí hoạt động khoa học công nghệ, sự nghiệp nông nghiệp, khuyến công, khuyến nông thực hiện các mô hình gắn với điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. Các đơn vị, địa phương cũng đã tìm các doanh nghiệp tiềm năng cùng phối hợp với nông dân trên địa bàn thực hiện các chuỗi liên kết hiệu quả. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong việc liên kết xuất nông nghiệp theo chuỗi bền vững.
Một trong những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển số lượng các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh là tình trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phần nhiều còn mang tính nhỏ lẻ. Việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn gặp khó khăn. Thêm vào đó là tính liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, bền vững. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
“Để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, các địa phương, doanh nghiệp, HTX, người dân cần chú trọng xây dựng chuỗi liên kết bền vững. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng. Các đơn vị, địa phương cần tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch, từ đó mới đảm bảo tính bền vững trong liên kết”, bà Nguyễn Thị Kim cho biết thêm.