Hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình
ĐTO - Thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đến năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 3/12/2014 về phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014 - 2020. Thời gian qua, Sở VH,TT&DL phối hợp các ban, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra thực hiện công tác gia đình (GĐ) tại địa phương; truyền thông, phát tài liệu cung cấp kiến thức phòng, chống BLGĐ cho người dân; duy trì các mô hình phòng, chống BLGĐ;... Qua đó, từng bước nâng cao ý thức cộng đồng về phòng, chống BLGĐ, góp phần kéo giảm số vụ việc về BLGĐ xảy ra.
Để công tác phòng, chống BLGĐ đạt hiệu quả, Sở VH,TT&DL phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh tổ chức hội thi, tọa đàm về chủ đề GĐ, bữa cơm GĐ nhân các ngày lễ, kỷ niệm như: Quốc tế hạnh phúc (20/3), GĐ Việt Nam (28/6),... Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thị xã, thành phố phối hợp địa phương tổ chức họp mặt biểu dương GĐ văn hóa tiêu biểu, hội thi nấu ăn,... biểu dương các GĐ tiêu biểu trong xây dựng GĐ hạnh phúc, lan tỏa ý thức xây dựng GĐ hạnh phúc trong cộng đồng.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh còn duy trì thực hiện các mô hình phòng, chống BLGĐ. Đến nay, toàn tỉnh có 659 Câu lạc bộ (CLB) “GĐ phát triển bền vững”, 659 Nhóm phòng, chống BLGĐ, 540 Đường dây nóng, 2.703 Địa chỉ tin cậy và 214 Tủ sách pháp luật đặt tại xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, mô hình CLB “GĐ phát triển bền vững” được tổ chức sinh hoạt định kỳ 2 tháng/lần tại khóm, ấp, với khoảng 11.500 lượt người tham dự.
Qua các buổi sinh hoạt, người dân được cung cấp, tư vấn các kiến thức phòng, chống BLGĐ, kỹ năng ứng xử trong GĐ; kịp thời hòa giải, xóa bỏ mâu thuẫn cho các trường hợp GĐ, vợ chồng có mâu thuẫn; từ đó nâng cao nhận thức trong Nhân dân về tác hại của BLGĐ, góp phần hạn chế xảy ra BLGĐ. Từ năm 2014 - 2020, tình hình BLGĐ trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiềm chế, giảm mạnh. Năm 2014 toàn tỉnh xảy ra 489 vụ BLGĐ, đến năm 2019 còn 92 vụ (giảm 397 vụ), 6 tháng đầu năm 2020 xảy ra 20 vụ BLGĐ. Tỷ lệ nạn nhân bị BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân là 99,92%.
Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố còn thực hiện củng cố hệ thống mạng lưới cộng tác viên làm công tác GĐ ở cơ sở (tăng cường thêm 2 nhân viên y tế/khóm, ấp làm nhiệm vụ công tác GĐ/ấp). Hiện toàn tỉnh có 1.396 cộng tác viên là nhân viên y tế khóm, ấp thực hiện công tác GĐ tại 698 khóm, ấp. Đồng thời, Sở VH,TT&DL cũng mở các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác GĐ tại cơ sở tham gia nâng cao kiến thức, nghiệp vụ về công tác GĐ; cách xử lý tình huống khi có BLGĐ tại địa phương; tổ chức hội nghị để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình hay, cách làm mới trong công tác phòng, chống BLGĐ để các địa phương học tập. Sở VH,TT&DL phối hợp các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện công tác GĐ định kỳ 6 tháng và cuối năm để kịp thời phát hiện, hỗ trợ địa phương khắc phục những hạn chế, khó khăn để thực hiện công tác GĐ tốt hơn.
Qua hơn 6 năm thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về phòng, chống BLGĐ đã từng bước tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến về nhận thức mỗi hộ GĐ, cá nhân về phòng, chống BLGĐ; phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay phòng, chống BLGĐ, làm cho câu chuyện về BLGĐ không còn là câu chuyện thầm kín sau cánh cửa của mỗi GĐ. Để công tác GĐ, phòng, chống BLGĐ phát huy hiệu quả, Sở VH,TT&DL tiếp tục tăng cường tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ; duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả; thường xuyên lấy ý kiến từ cơ sở để đổi mới trong triển khai thực hiện công tác GĐ gắn với tình hình thực tế tại địa phương;...