Hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững
Bằng quyết tâm và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giảm dần theo từng năm. Các chính sách hỗ trợ người nghèo luôn phát huy hiệu quả, qua đó giúp hộ nghèo có điều kiện tự vươn lên, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội (ASXH), thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.
GIẢM TỶ LỆ HỘ NGHÈO
Hàng năm, Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo các huyện, thành phố căn cứ mục tiêu giảm nghèo của địa phương và hướng dẫn của các ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững (GNBV) phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân nói chung và bảo đảm ổn định cuộc sống của các hộ nghèo, cận nghèo nói riêng, bảo đảm phù hợp với điều kiện, khả năng huy động nguồn lực.
Cùng với đó, các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án như: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin...
Trong đó, tập trung hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, thực hiện kịp thời, đúng chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời đẩy mạnh các chính sách bảo đảm ASXH như: trợ cấp xã hội, tặng quà cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo; triển khai các chính sách, giải pháp về lao động việc làm, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và tổ chức thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đến các đối tượng thụ hưởng.
Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài luôn được huyện Tam Nông quan tâm thực hiện tốt. 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện có 59 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 50% chỉ tiêu. Những lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đều có thu nhập cao, nhiều gia đình đã thoát nghèo, có cuộc sống sung túc, ổn định. Trong đó, có chị Nguyễn Mai Chi ngụ ấp K10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông. Từ năm 2018 đến nay, chị cùng chồng vay vốn chính sách để đi lao động thời vụ ở Hàn Quốc, mỗi đợt từ 3 - 5 tháng, làm công việc chăm sóc và thu hoạch hoa màu. Qua 3 đợt lao động thời vụ ở nước ngoài, vợ chồng chị đã trả hết vốn và lãi vay, cơ bản thoát nghèo bền vững, có cuộc sống sung túc, dành dụm được tiền sửa lại căn nhà, mở tiệm tạp hóa.
Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tam Nông cho biết, đến nay, toàn huyện có khoảng 53% lao động được đào tạo nghề; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm, thu nhập ổn định đạt 97%. Từ đó, góp phần làm giảm số hộ nghèo và tăng hộ khá, giàu của huyện, bình quân thu nhập đầu người đã tăng lên trên 56 triệu đồng/năm. Toàn huyện hiện còn 495 hộ nghèo, chiếm 1,74% và 626 hộ cận nghèo, chiếm 2,2%; huyện không còn hộ chính sách nghèo.
“Thời gian qua, Phòng đã phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong việc triển khai, tuyên truyền thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng về chính sách ASXH. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến sâu rộng các chính sách tín dụng, giúp lao động tiếp cận vốn vay, có chi phí để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Sau khi kết thúc hợp đồng trở về nước, đa phần người lao động đã tích lũy thu nhập để đầu tư phát triển kinh tế, mở các cơ sở sản xuất và tự mình làm chủ”, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt chia sẻ thêm.
Với kết quả các địa phương đạt được đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 2,17% giảm còn 1,51% (trong năm 2023), vượt chỉ tiêu giảm 0,4%/năm; tỷ lệ giảm hộ cận nghèo 0,92%; thu nhập bình quân hộ nghèo trong năm qua tăng 1,41 lần so với cuối năm 2020. Theo ông Phạm Việt Công - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, để Chương trình giảm nghèo triển khai hiệu quả, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã sớm tổ chức triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đến các đối tượng thụ hưởng; tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn Chương trình GNBV để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
PHÁT HUY CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI NGHÈO
Cùng với các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tạo động lực để người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Tại huyện Cao Lãnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phương Thịnh thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ nâng cao ý chí, nghị lực vượt khó thoát nghèo; hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận vay các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, dạy nghề, giới thiệu việc làm. Đến nay, trên địa bàn xã có hơn 1.200 phụ nữ được dạy nghề đan lục bình, chăm sóc móng và tóc, góp phần giúp phụ nữ có việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Chị Ngô Thị Vẽ - Chủ tịch Hội LHPN xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh cho biết, nhằm tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ có điều kiện, phấn đấu thoát nghèo, Hội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống như: tiếp cận vay vốn ủy thác, cho mượn vốn không tính lãi, dạy nghề... Thông qua các mô hình tương trợ nghĩa tình đã giúp nhiều phụ nữ ở địa phương thoát nghèo bền vững, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Chị Nguyễn Thị Út Phường ngụ Ấp 7, xã Phương Thịnh là hộ cận nghèo, chỉ có thu nhập ít ỏi từ việc làm thuê nên cuộc sống gia đình luôn gặp khó khăn, khi 3 đứa con còn trong độ tuổi ăn học. Năm 2022, chị Phường được Hội LHPN xã xem xét hỗ trợ từ các nguồn vốn vay không tính lãi với số tiền 20 triệu đồng, thời hạn trả trong vòng 24 tháng, để cải tạo mương nước trồng rau nhút. Chị Phường chia sẻ: “Từ số tiền vay không tính lãi, tôi mua giống rau nhút về trồng, sau 15 ngày trồng thu hoạch và bán với giá 10 ngàn đồng/kg, thu nhập từ 200 - 300 ngàn đồng/ngày. Đồng thời tận dụng đất trống quanh nhà, trồng thêm rau quế kiếm thêm thu nhập, cuộc sống gia đình dần ổn định, tôi tự nguyện xin thoát nghèo”.
Những kết quả trên cho thấy, Chương trình GNBV đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Để công tác giảm nghèo tiếp tục đạt hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin). Đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện sống của người nghèo, gắn các mục tiêu giảm nghèo với tiêu chí xây dựng nông thôn mới; các chính sách ASXH và chương trình đào tạo nghề cho người lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Cùng với đó, thực hiện tốt các chính sách ASXH, hướng dẫn hộ nghèo cách làm ăn, tạo môi trường thuận lợi cho hộ nghèo phát triển kinh tế, tiến tới GNBV.