Hiệu quả chuyển đổi cây trồng ở xã biên giới Bản Lầu

Với sự nỗ lực tuyên truyền của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các thôn khu vực biên giới xã Bản Lầu, huyện Mường Khương đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập.

Cách đây hơn 10 năm, gia đình ông Giàng Seo Tùng, thôn Na Lốc 4, xã Bản Lầu trồng gần 2 ha cây cao su với mong muốn loại cây trồng này sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, khi đến chu kỳ khai thác, giá mủ cao su giảm thấp, nhiều năm liền không có thu nhập nên gia đình ông Tùng buộc phải chặt bỏ cây cao su, đưa cây dứa vào sản xuất để phát triển kinh tế. Trên diện tích này, gia đình ông Tùng trồng hơn 8 vạn gốc dứa, mỗi năm thu hoạch gần 40 tấn quả.

 Ông Giàng Seo Tùng chuẩn bị cây chè giống để thay thế diện tích trồng dứa kém hiệu quả.

Ông Giàng Seo Tùng chuẩn bị cây chè giống để thay thế diện tích trồng dứa kém hiệu quả.

Từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và thị trường biến động, giá dứa giảm sâu nên cây trồng này không còn mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Gia đình ông Tùng lại tìm cách chuyển đổi cây trồng. Sau thời gian dài tìm hiểu, cuối năm 2021, gia đình ông Tùng đã chuyển 0,9 ha đất trồng dứa kém hiệu quả sang trồng chè Shan.

 Nhiều nông dân xã biên giới xã Bản Lầu chọn cây chè để trồng thay thế cây dứa.

Nhiều nông dân xã biên giới xã Bản Lầu chọn cây chè để trồng thay thế cây dứa.

Ông Giàng Seo Tùng chia sẻ: Những năm đầu, khi giá dứa giảm, gia đình tôi cố gắng duy trì diện tích sản xuất, nhưng không cầm cự được vì càng duy trì càng lỗ nên tôi chuyển sang trồng chè. Mặc dù mới chuyển đổi nhưng đến nay tôi đã có thu nhập từ cây chè. Với 0,9 ha chè 1 năm tuổi đã cho thu hoạch 4 lứa, mỗi lứa khoảng 60 kg búp. Giá bán trung bình 8 nghìn đồng/kg, tôi đã thu được gần 5 triệu đồng. Năm nay, được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, gia đình tôi tiếp tục chuyển đổi 1,34 ha đất trồng dứa sang trồng chè. Tin tưởng, chè sẽ là cây trồng mang đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi trong những năm tới.

Trước đây, gia đình anh Lừu Vềnh, thôn Na Lốc 2 chủ yếu trồng chuối để phát triển kinh tế. Do canh tác nhiều năm, vườn chuối bị bệnh vàng lá Panama gây hại, sản xuất không còn hiệu quả. Anh Vềnh lên mạng internet học hỏi và đưa hơn 300 cây mít Thái vào trồng thay thế diện tích chuối kém hiệu quả. Đến nay, sau gần 7 năm trồng và chăm sóc, vườn mít Thái của anh Vềnh đã cho thu hoạch, bước đầu giúp gia đình anh Vềnh có thêm thu nhập.

 Anh Lừu Vềnh cắt tỉa bớt quả để đảm bảo chất lượng mít.

Anh Lừu Vềnh cắt tỉa bớt quả để đảm bảo chất lượng mít.

Anh Lừu Vềnh chia sẻ: Giống mít Thái trồng ở Na Lốc 2 tương đối thích hợp, cây phát triển tốt, nhiều quả, múi vàng, ngọt. Mỗi cây mít ra hàng chục quả nhưng tôi thường tỉa bớt, chỉ để lại 5 - 7 quả trên cây. Trung bình, mỗi quả mít đạt trọng lượng từ 5 - 10 kg/quả. Do sản lượng chưa có nhiều nên hiện tôi vẫn bán lẻ cho người dân và một số thương lái trong khu vực với giá từ 10 - 15 nghìn đồng/kg. Tôi mong muốn khi mít đạt sản lượng tốt sẽ có đơn vị cùng liên kết để tiêu thụ, giúp gia đình có nguồn thu ổn định từ cây trồng này.

 Vườn mít trĩu quả của anh Lừu Vềnh.

Vườn mít trĩu quả của anh Lừu Vềnh.

Được biết, thời gian qua, không chỉ gia đình ông Giàng Seo Tùng, anh Lừu Vềnh mà Nhân dân thuộc 5 thôn khu vực biên giới xã Bản Lầu (Na Lốc 1, 2, 3, 4 và Cốc Phương) luôn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, tích cực lao động sản xuất để phát triển kinh tế. Tại các thôn khu vực biên giới, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Mỗi năm nông dân 5 thôn khu vực biên giới xã Bản Lầu chuyển đổi thành công hàng chục héc-ta đất canh tác kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong đó, năm 2022, nông dân đã chuyển đổi thành công khoảng 60 ha đất canh tác kém hiệu quả sang trồng chè và các loại cây trồng khác; việc chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao (chủ yếu là cây chè) cũng đạt khoảng 70ha/5 thôn vào năm 2023.

 Diện mạo nông thôn khu vực biên giới xã Bản Lầu ngày càng đổi thay nhờ nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả.

Diện mạo nông thôn khu vực biên giới xã Bản Lầu ngày càng đổi thay nhờ nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả.

Ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu chia sẻ: Với nỗ lực tuyên truyền của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người dân các thôn khu vực biên giới tích cực chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ngoài các cây trồng chủ lực (chè, dứa, quế…), Nhân dân trong khu vực còn tự tìm tòi, đưa một số giống cây trồng mới (mít, xoài, dổi…) vào trồng thử nghiệm để phát triển kinh tế. Chúng tôi rất kỳ vọng các loại cây trồng này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định. Địa phương sẽ tiếp tục kết nối các nguồn vốn, dự án, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài huyện để hình thành các liên kết sản xuất bền vững, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho các thôn khu vực biên giới nói riêng và các thôn trên địa bàn xã nói chung.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hieu-qua-chuyen-doi-cay-trong-o-xa-bien-gioi-ban-lau-post377075.html