Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Như Xuân
Những năm qua, huyện Như Xuân đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Việc chuyển đổi trên đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho sản phẩm nông sản.
Diện tích chuyển đổi sang trồng cây thanh long tại thôn 8, xã Xuân Hòa.
Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020”, UBND huyện Như Xuân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách và xây dựng kế hoạch hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Theo đó, huyện chỉ đạo chuyển đổi đất trồng sắn, mía có độ dốc trên 15o sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, áp dụng khoa học - kỹ thuật; HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND ngày 29-12-2016 về cơ chế, chính sách phát triển trồng cam trên địa bàn huyện Như Xuân năm 2017. Cùng với đó, tạo cơ chế thông thoáng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để giúp người dân phát triển kinh tế. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất thâm canh và các mô hình sản xuất hiệu quả. Tập trung phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đến nay toàn huyện đã chuyển đổi hơn 1.200 ha đất trồng mía, sắn, cao su, năng suất kém sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Một số xã có diện tích chuyển đổi lớn, như: Xuân Hòa, Cát Vân, Xuân Bình... Có thể nói, cơ cấu cây trồng đang được chuyển dịch đúng hướng, diện tích sắn, mía giảm từ 7.300 ha năm 2015 xuống còn 4.230 ha năm 2019, thay thế vào đó là diện tích cây ăn quả, như: Ổi 56,4ha, quýt 193,6 ha, bưởi 117,2ha... Một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã cho thu hoạch, như: Cam 480 triệu đồng/ha; dứa gai 320 triệu đồng/ha, dưa hấu 150 triệu đồng/ha... Theo tính toán, sau khi thực hiện chuyển đổi sẽ cho hiệu quả kinh tế cao từ 2 đến 3 lần so với các loại cây trồng trước đây. Bên cạnh đó, chương trình cải tạo vườn được quan tâm chỉ đạo và đã trở thành phong trào trên địa bàn toàn huyện, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, toàn huyện cải tạo được 450 ha vườn tạp; trong đó, 300 ha được chuyển sang trồng cây ăn quả tại thị trấn Yên Cát (xã Yên Lễ cũ), các xã Thượng Ninh, Xuân Bình...
Có thể nói, hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Tuy năng suất, sản lượng cây trồng sau chuyển đổi đều tăng qua từng năm, nhưng hiệu quả kinh tế và lợi nhuận mang lại cho người dân vẫn chưa tương xứng. Do đó, để việc chuyển đổi này được ổn định, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch, quy mô diện tích của từng xã. Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân, cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm tỷ trọng lúa, mía, sắn sang các cây trồng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn, như: Cây ăn quả, rau các loại, cây thức ăn chăn nuôi,...”. Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn gắn với khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đi đôi với đó, trong quá trình phát triển sản xuất, huyện quan tâm chỉ đạo người dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật từ giống, canh tác, cơ giới hóa, quản lý dịch bệnh, tạo ra chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, huyện còn thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách huyện nhằm khuyến khích phát triển sản xuất đối với các hộ dân.