Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Y Sơn

PTĐT - Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Y Sơn, huyện Hạ Hòa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân...

Nhờ trồng cây ăn quả có múi theo hướng VietGAP đã đem lại thu nhập cao cho gia đình anh Trần Anh Tuấn, khu 6, xã Y Sơn.

Nhờ trồng cây ăn quả có múi theo hướng VietGAP đã đem lại thu nhập cao cho gia đình anh Trần Anh Tuấn, khu 6, xã Y Sơn.

PTĐT - Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Y Sơn, huyện Hạ Hòa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng những mô hình mới, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng. Xã tập trung vận động người dân thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, hình thành những vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho việc đưa tiến bộ KH-KT vào sản xuất. Đồng thời khuyến khích chuyển đổi các diện tích canh tác kém hiệu quả sang sản xuất các giống cây trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cho năng suất, chất lượng cao…
Với chủ trương không để trống đất màu, xã chỉ đạo người dân tích cực chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao. Đối với diện tích đất cao hạn, bên cạnh diện tích trồng cây lâm nghiệp, cây nguyên liệu giấy và cây chè, xã vận động người dân tập trung cải tạo đất vườn đồi chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như: Dứa, cam, bưởi, ổi, na, nhãn…, phát triển những mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP.Mặc dù các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang khẳng định hiệu quả nhưng thực tế hiện nay đầu ra sản phẩm vẫn chưa thực sự ổn định. Ông Nguyễn Tiến Phúc - Chủ tịch UBND xã Y Sơn cho biết: Trước đây, nông nghiệp của địa phương chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên nên giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích không cao. Đời sống của người dân trong xã còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp.Để giúp người dân phát triển sản xuất hiệu quả, UBND xã chỉ đạo người dân tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa; cùng với tranh thủ các nguồn lực đầu tư, xã tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ người dân kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp thu mua, qua đó, tạo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được cải thiện, nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 4%. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục rà soát lại quỹ đất, thực hiện dồn đổi, tích tụ đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ có nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất; nhân rộng những mô hình cây trồng hiệu quả; tăng cường hỗ trợ người dân tiếp cận vốn canh tác như nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn về kỹ thuật, nâng cao kiến thức cho các hộ sản xuất; duy trì, phát huy tốt hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất và trao đổi, giao lưu hàng hóa.Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đây là tiền đề để xã Y Sơn tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết; hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và duy trì bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201906/hieu-qua-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-o-y-son-165126