Hiệu quả chuyển đổi số với người dân, doanh nghiệp

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển chính quyền số để thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, xã hội số, phát huy hiệu quả chuyển đổi số. Nhờ đó, công tác chuyển đổi số trên địa bàn đã đạt những kết quả khả quan, mang đến những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Đầu tư hiện đại hóa công nghệ, tự động hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cho Công ty CP Gemmy Wood, Cụm công nghiệp Tân Phú, huyện Tân Sơn.

Trên địa bàn tỉnh, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư với chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh tỉ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt trên 80%, tỉ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng thông rộng đạt gần 73%. Hệ thống mạng diện rộng của tỉnh duy trì ổn định, đảm bảo chất lượng đến 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, hệ thống cung cấp 1.499 dịch vụ công trực tuyến đạt 75,8%; 100% các cơ quan, đơn vị đã phát sinh hồ sơ thanh toán không dùng tiền mặt. Trong năm 2022 đã có gần 89.400 hồ sơ thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, tổng số tiền thu được gần 38 tỉ đồng.

Với hạ tầng số từng bước được đầu tư, nâng cấp, người dân và doanh nghiệp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào đời sống, ứng dụng thương mại điện tử, tăng cường giao dịch với chính quyền trên môi trường mạng. Các lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí được ưu tiên chuyển đổi số như: Y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp. Chuyển đổi số đồng bộ trên các lĩnh vực góp phần nâng cao khả năng tiếp cận thông tin dịch vụ cho người dân, đã và đang mang lại những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống.

Chị Vũ Thị Liên - Chủ cửa hàng tạp hóa Liên Sinh, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê cho biết: “Được các cơ quan chức năng tuyên truyền về chuyển đổi số, tôi đã biết đến nhiều hơn những tiện ích từ công nghệ và ứng dụng vào đời sống, hoạt động kinh doanh. Từ điện thoại di động thông minh có cài đặt ứng dụng của ngân hàng, tôi có thể thanh toán các dịch vụ về điện, nước, viễn thông, chuyển khoản. Trong kinh doanh, cửa hàng sử dụng máy quét mã vạch tính tiền, có phần mềm quản lý để thuận tiện trong kiểm soát lượng hàng bán ra, lượng hàng tồn kho; có mã thanh toán QR, số tài khoản để khách hàng chuyển khoản khi mua hàng, đa dạng hình thức thanh toán”.

Đối với các doanh nghiệp, chuyển đổi số đã tích hợp công nghệ số vào quá trình hoạt động kinh doanh với mục tiêu chính là gia tăng hiệu quả vận hành, trải nghiệm khách hàng, nhất là khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thực tiễn quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp cho thấy nhiều chủ doanh nghiệp chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tư duy lại hướng kinh doanh, đánh giá lại chuỗi giá trị, nỗ lực về nhiều mặt để kết nối với khách hàng và nhanh chóng thực hiện giải pháp trên nền tảng công nghệ số.

Thuế là một trong những ngành triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong các quy trình giải quyết công việc, giúp chất lượng, hiệu quả của các hoạt động nghiệp vụ được nâng cao, hạn chế ở mức thấp nhất những sai sót và rút ngắn thời gian khi giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp. Đến nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử, năm 2022, Cục Thuế tỉnh đã tiếp nhận, xử lý trên ba triệu hóa đơn điện tử.

Tại Công ty CP LCD Phú Thọ, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng chuyên gia công linh kiện điện tử, việc đơn giản hóa các thủ tục ngành Thuế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty trong quá trình giao dịch. Ông Mai Quý Đạt - Giám đốc Công ty cho biết: “Những ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Thuế trong thời gian qua đã giúp quá trình giao dịch tiết kiệm thời gian, chi phí. Đặc biệt, ứng dụng eTax Mobile được xây dựng gắn với xu thế chung của các ứng dụng di động thông minh giúp doanh nghiệp chúng tôi chủ động hơn trong việc tra cứu thông tin về thuế và thực hiện nghĩa vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng. Đồng thời, sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ”.

Chuyển đổi số tác động tích cực, giúp người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện, hiệu quả hơn. Vì vậy, cùng với nỗ lực của ngành chức năng, người dân, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số, phục vụ tốt hơn nhu cầu cuộc sống và sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chuyen-doi-so/hieu-qua-chuyen-doi-so-voi-nguoi-dan-doanh-nghiep/191865.htm